Mỹ phẩm Việt Nam tìm lối đi riêng

CTCP Mỹ phẩm Sài Gòn đã sản xuất nước hoa nhãn hiệu Mytime độc quyền cho ca sĩ Mỹ Tâm. Ca sĩ này cũng đã chính thức đưa sản phẩm mới của mình ra thị trường. Với việc hợp tác sản xuất loại nước hoa cho một ca sĩ đang ăn khách, Mỹ phẩm Sài Gòn hy vọng sẽ tăng số lượng khách hàng tiêu thụ nước hoa từø các fan của Mỹ Tâm.

Cách làm này không mới đối với ngành kinh doanh mỹ phẩm và thời trang quốc tế, khi nhiều ca sĩ và diễn viên nổi tiếng đã trực tiếp kinh doanh thời trang hay các loại mỹ phẩm mang tên mình, nhưng ở Việt Nam được coi là một sáng kiến độc đáo. Mỹ phẩm Sài Gòn một thời khá nổi tiếng với một số sản phẩm, trong đó, nước hoa Miss Saigon (Elegance) được coi là một nhãn hiệu thành công. Miss Saigon được thiết kế vỏ chai với hình cách điệu cô gái mặc áo dài, đội nón lá… Vì mang tính đặc thù nên Miss Saigon có thể gây ấn tượng như một sản phẩm mỹ phẩm làm hàng lưu niệm. Sau Miss Saigon, chưa có nhiều sản phẩm mới đủ sức thay thế. Tuy nhiên, Miss Saigon vẫn chưa đạt được đẳng cấp hàng cao cấp, kể cả mùi đặc trưng và kiểu dáng mẫu mã.

Thị trường mỹ phẩm Việt Nam những năm qua phát triển mạnh. Chỉ riêng dầu gội đầu, người tiêu dùng cũng khó có thể nhớ hết tên thương mại, từ các hãng hàng đầu trên thế giới đến những cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Nhưng phần lớn các mỹ phẩm là chất tẩy rửa như các loại dầu gội đầu, dầu tắm, một số sản phẩm kem dưỡng da và trang điểm của các công ty nước ngoài, hoặc liên doanh với doanh nghiệp trong nước sản xuất tại Việt Nam như Unilever, DeBon, Kao… Riêng dầu gộïi đầu của tập đoàn Unilever đã có đến hàng chục loại với những tên thương mại khác nhau, được quảng cáo dành cho đủ loại tóc và trị đủ mọi loại gàu…

Trong khi đó sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước còn ít. Đã có thời một số sản phẩm chất tẩy rửa và mỹ phẩm do các doanh nghiệp trong nước sản xuất như Daso, Thorakao, Lan Hảo, Như Ngọc, Mỹ phẩm Sài Gòn… được người tiêu dùng chú ý. Nhưng kinh tế phát triển, nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao, nhiều thương hiệu kém nổi tiếng bị lãng quên. Cũng có một số doanh nghiệp trong nước đã cố gắng nghiên cứu đưa ra các sản phẩm mỹ phẩm phục vụ nhu cầu dưỡng da, nước hoa. Kem dưỡng da của Thorakao và Lana với một số sản phẩm được chú ý nhờ dùng nguyên liệu trong nước như kem nghệ, mặt mạ dưa leo, kem dưỡng da tay…

Nhiều người tiêu dùng cho rằng, hàng mỹ phẩm sản xuất trong nước còn đơn điệu, việc quảng bá thương hiệu cũng chưa tốt; các doanh nghiệp chưa có hệ thống cửa hàng chuẩn cao cấp mà sản phẩm chủ yếu bán trong các siêu thị, một số cửa hàng giới thiệu sản phẩm… Để tìm hướng đi riêng cho mình, trước hết ngành công nghiệp mỹ phẩm Việt Nam phải sớm khắc phục những điểm yếu đó.

Văn Minh Hoa

Tin cùng chuyên mục