Mỹ phản pháo sau lời đe dọa của Iran

Phương Tây đáp trả
Mỹ phản pháo sau lời đe dọa của Iran

Thị trường dầu thế giới vừa trải qua “phép thử” sau lời đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz (cửa ngõ lưu thông 40% lượng dầu trên thế giới) của Iran. Cuộc đối đầu giữa các quốc gia phương Tây càng nóng lên khi Mỹ có những động thái phản pháo đầu tiên.

Hải quân Iran trong cuộc tập trận Velayat - 90. Ảnh: AFP

Hải quân Iran trong cuộc tập trận Velayat - 90. Ảnh: AFP

Phương Tây đáp trả

Trước tiên, Mỹ nhấn mạnh, việc cản trở quá cảnh các tàu thuyền qua eo biển Hormuz là điều không thể dung thứ. Thư ký báo chí Lầu Năm góc George Little nói rằng mọi nỗ lực nhằm gia tăng căng thẳng quanh eo biển Hormuz sẽ là điều không có lợi. Hạm đội 5 của Mỹ ngày 29-12 cũng đã lên tiếng sẽ không cho phép để xảy ra gián đoạn giao thông vận tải ở eo biển Hormuz.

Theo hãng thông tấn IRNA của Iran, hải quân Iran ngày 29-12 đã phát hiện một tàu sân bay của Mỹ, được cho là chiếc USS John C. Stennis xâm nhập vùng biển gần eo biển Hormuz, nơi hải quân Iran đang tiến hành các cuộc tập trận Velayat-90 kéo dài 10 ngày trong bối cảnh căng thẳng leo thang liên quan tới tuyến vận tải dầu mỏ quan trọng này. Hải quân Iran đã quay và chụp lại hình ảnh USS John C. Stennis.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa phương Tây và Iran có thêm diễn biến mới, Mỹ lại đề cập đến việc sớm thông báo thương vụ bán 84 máy bay chiến đấu F-15 và nâng cấp hơn 70 chiếc khác, trị giá gần 30 tỷ USD cho Saudi Arabia. Đây là một phần trong thương vụ Mỹ bán vũ khí cho Saudi Arabia trị giá 60 tỷ USD, hợp đồng bán vũ khí bộn tiền nhất của Mỹ từ trước đến nay.

Nhật báo Pravda của Nga phân tích, hợp đồng trên đã nhắm được nhiều đích đến quan trọng. Thứ nhất, đó là lời khẳng định Mỹ sẽ củng cố mối quan hệ đồng minh với một số quốc gia ở khu vực, trong đó có Saudi Arabia thông qua hợp tác quân sự. Từ đây, Mỹ sẽ dùng đồng minh để tạo gọng kìm chi phối những nước đối lập trong khu vực vùng Vịnh, trong đó có Iran. Thứ hai, hợp đồng thực hiện kéo dài 10 năm sẽ tạo khoảng 75.000 việc làm cho Mỹ.

“Con át” eo biển Hormuz

Nền kinh tế Iran 80% dựa vào xuất khẩu dầu. Vì các cáo buộc phát triển năng lượng hạt nhân nhằm chạy đua vũ khí hạt nhân, Iran đã bị phương Tây đe dọa sẽ mở rộng cấm vận đối với ngành xuất khẩu trên. Mỹ và các quốc gia châu Âu sẽ đưa ra quyết định vào tháng 1 tới. Đáp trả, Iran nhiều lần đe dọa sẽ đóng cửa eo biển Hormuz và lời tuyên bố mới nhất của Phó Tổng thống Iran Mohammad Reza Rahimi ngày 28-12 một lần nữa làm dấy lên căng thẳng giữa phương Tây và quốc gia Trung Đông này.

Trang tin trực tuyến Online Opinion của Australia phân tích, eo biển Hormuz là “con át” của Iran và cũng là nguyên nhân khiến phương Tây chưa mạnh tay áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iran.

6 nguyên nhân được đưa ra: eo biển Hormuz là huyết mạch duy nhất để các quốc gia ở vịnh Persia tiến ra vùng biển quốc tế; trung bình, cứ mỗi 10 phút, một thuyền chở dầu lớn lưu thông qua eo biển Hormuz; 90% lượng dầu xuất khẩu từ vịnh Persia phải qua đây; 40% lượng dầu tiêu thụ trên thế giới được vận chuyển qua eo biển Hormuz; các chuyến tàu chở vũ khí do Mỹ và các quốc gia châu Âu bán cho khu vực vịnh Persia trước khi cập bến phải đi ngang eo biển trên; Viện Thông tin năng lượng Mỹ dự đoán, đến năm 2020, lượng dầu xuất khẩu mỗi ngày qua khỏi eo biển Hormuz là 35 triệu thùng.

Các chuyên gia năng lượng cho biết, nếu eo biển Hormuz bị phong tỏa, mỗi ngày, nguồn cung dầu cho thế giới sẽ hụt mất 20 triệu thùng. Điều này dẫn đến giá dầu có thể tăng gấp đôi.

Iran đang xét xử một công dân Mỹ (cựu lính thủy đánh bộ) gốc Iran Amir Mirzai Hekmati (28 tuổi) với cáo buộc làm gián điệp cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Công tố viên Iran đã đề nghị mức án cao nhất (nhiều khả năng là án tử hình) nếu Hekmati bị phán quyết là có tội. Đến nay Iran vẫn từ chối đề nghị của các nhà ngoại giao Thụy Sĩ ở Tehran, người đại diện lợi ích của Mỹ ở Iran, được gặp Hekmati.

Như Quỳnh

Tin cùng chuyên mục