Quan hệ đồng minh lâu năm giữa Mỹ và Philippines ngày một đi xuống kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên cầm quyền. Tuy nhiên, trước những tuyên bố gây sốc liên tục của Tổng thống Philippines, thái độ của Mỹ được xem là bình tĩnh hơn bao giờ hết.
Mỹ giữ thái độ thận trọng
Ngày 4-10, Nhà Trắng tuyên bố những phát biểu gây sốc của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte là mâu thuẫn với mối quan hệ nồng ấm giữa hai quốc gia và Mỹ chưa nhận được thông tin nào từ phía Chính phủ Philippines về việc thay đổi mối quan hệ này.
Tuyên bố của Nhà Trắng được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Duterte gần đây tuyên bố cuộc tập trận chung mang tên “PHIBLEX 33” với sự tham gia của khoảng 2.000 binh sĩ hai bên tại đảo Luzon và đảo Palawan đang diễn ra và dự kiến kết thúc vào ngày 12-10. Đây là cuộc tập trận chung đầu tiên và có lẽ sẽ là cuối cùng giữa 2 đồng minh trong nhiệm kỳ 6 năm của ông Duterte, kết thúc vào tháng 6-2022.
Người dân Philippines biểu tình ở thủ đô Manila phản đối sự hiện diện của Mỹ ngay trong ngày khai mạc cuộc tập trận chung
Trước đó, ông Duterte khi chỉ trích Tổng thống Obama “nên xuống địa ngục”; yêu cầu lực lượng đặc nhiệm Mỹ rời khỏi miền Nam Philippines và sẵn sàng dừng một số hợp tác với Mỹ, thậm chí không thèm mua vũ khí của Mỹ nữa vì Nga và Trung Quốc đã chờ để chìa tay ra.
Đề cập tới phát biểu gây sốc trên, Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest nêu rõ: “Các kênh tiếp xúc ngoại giao giữa Mỹ và Philippines vẫn hoạt động. Qua những kênh này, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ một thông báo chính thức nào từ phía Chính phủ Philippines về việc có những thay đổi lớn trong quan hệ song phương”.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho biết chưa nhận được động thái cụ thể nào từ phía Philippines liên quan tới tuyên bố Manila xem xét lại Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA), hiệp ước quốc phòng được hai nước ký kết năm 2014.
Philippines đang đu dây?
Mặc dù cũng có lúc nhấn mạnh Philippines không cắt đứt quan hệ với Mỹ mà đang theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, nhưng trong bài phát biểu ngày 4-10 phát trên truyền hình dành cho cộng đồng người Do Thái tại một giáo đường ở thủ đô Manila, Tổng thổng Duterte tuyên bố: “Tôi sẽ định hình lại chính sách đối ngoại... Tôi muốn đi theo Nga hoặc Trung Quốc”. Ông Duterte đã đả kích Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) liên quan tới chiến dịch chống ma túy, đồng thời cho rằng Washington đã thất bại tại quốc gia Đông Nam Á này.
Trước tuyên bố đe dọa chấm dứt mối quan hệ đồng minh, Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest khẳng định Mỹ không phản đối Philippines tìm kiếm các mối quan hệ tốt đẹp hơn với Trung Quốc, cũng như khuyến khích các đồng minh châu Á khác như Hàn Quốc và Nhật Bản cải thiện quan hệ của họ với Bắc Kinh. Ông J. Earnest còn nhấn mạnh sẵn sàng xây dựng các mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc và Nga. Người Mỹ tin rằng họ có lợi ích trong việc những người bạn thân thiết nhất ở châu Á - Thái Bình Dương của họ có quan hệ cộng tác hiệu quả với Trung Quốc.
Tuy nhiên, cùng ngày, hãng tin Reuters dẫn nhận định của giới chuyên gia cho rằng, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ đối mặt với những trở ngại lớn sau khi ông dọa hạn chế nhập khẩu vũ khí Mỹ và chuyển hướng sang vũ khí của Trung Quốc và Nga. Cựu cố vấn Hạ viện Philippines đồng thời là giáo sư Đại học De La Salle tại Manila, ông Richard Javad Heydarian, cho biết với sự phụ thuộc vào các hệ thống và vũ khí Mỹ từ trước tới nay thì quân đội Philippines sẽ phải tái trang bị cơ cấu chỉ huy - kiểm soát nếu muốn chuyển sang các hệ thống của Nga hay Trung Quốc. Theo ông sẽ mất nhiều năm để quân đội Philippines định hướng lại với công nghệ mới.
Trong khi đó, chuyên gia về các vấn đề hàng hải Trung Quốc tại Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ, ông Lyle Goldstein, nhận định, ngay cả trong trường hợp Nga có thể chào hàng các hệ thống vũ khí chất lượng cao thì Philippines sẽ phải cân nhắc khả năng tương thích của chúng với kho dự trữ vũ khí của Mỹ hiện nay.
HẠNH CHI (tổng hợp)