Quyết định của Tổng thống Mỹ Barack Obama triệt thoái toàn bộ quân khỏi Iraq được xem là dũng cảm khi tình hình an ninh-chính trị và xã hội của Iraq vẫn chưa ổn định, nguy cơ nội chiến vẫn lơ lửng. Có thể nói, cuộc chiến này chỉ mang lại quyền lực cho một số thế lực ở Iraq, còn đối với nhân dân Iraq là một đất nước đổ nát, gia đình ly tán, kinh tế tụt hậu và tương lai bất định.
Iraq lo nhiều hơn vui
Khoảnh khắc người Iraq vui mừng vì lực lượng Mỹ đã lật đổ Tổng thống Iraq Saddam Hussein lan tới nước Mỹ. Ngày 1-5-2003, Tổng thống Bush tuyên bố rằng “trong cuộc chiến Iraq, Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng tôi đã chiến thắng”, một “nhiệm vụ đã được hoàn thành”.
Thế nhưng, khoảnh khắc này nhanh chóng qua mau nhường chỗ cho cướp bóc, khủng bố. Tầng lớp trung lưu Iraq lo ngại bị tàn sát đã rời Iraq với nhiều di sản văn hóa cổ đại của đất nước. Những ngày kinh hoàng với đa số người dân Iraq với nào là bạo động, đánh bom, kể cả cướp bóc. Các phe phái dòng Sunni và Shiite đánh nhau, Al-Qaeda lộng hành và cả các vụ phản kháng lính Mỹ, tiêu biểu là hình ảnh thi thể các nhà thầu Mỹ bị đốt cháy đen treo trên cầu bắc qua sông Euphrates.
Năm 2007, 140.000 binh sĩ Mỹ không thể ngăn cản nổi chính những người Iraq xâu xé nhau. Chính Tổng thống Bush đã nhìn thấy ván bài “xây dựng nền dân chủ Arab” rơi vào cuộc nội chiến như thế nào và ông đã phải đưa thêm 30.000 quân tới tăng viện. Trong chuyến thăm làm hòa với thế giới Arab năm 2009 tại Cairo, Ai Cập, Tổng thống Barack Obama từng nói: “Tôi muốn nói rõ rằng: Không có một quốc gia nào có thể dựng lên một hệ thống chính quyền ở một quốc gia khác”.
Trong các đường phố Iraq, quân đội Mỹ thường rải kẹo cho trẻ em trong khi chúng chạy theo những chiếc xe bọc thép Humvee của họ. Quân đội Mỹ có khi đá bóng với chúng. Thế nhưng, khi các bức ảnh của các tù nhân Iraq đội mũ trùm đầu bị tiết lộ trong vụ lính Mỹ ngược đãi tù nhân nhà tù Abu Ghraib, những đứa trẻ bắt đầu ném những món quà thiện chí trở lại vào lính Mỹ.
Bài diễn văn của Tổng thống Obama đọc tại căn cứ không quân Fort Bragg ở bang North Carolina ngày 15-12-2011 như một lời tuyên bố chính thức về sự rút lui của quân Mỹ tại Iraq. Ông Obama cho rằng: “Một trong những chương lịch sử đặc biệt của quân sự Mỹ sắp kết thúc. Tương lai của Iraq sẽ nằm trong tay người dân Iraq. Cuộc chiến tranh của Mỹ tại Iraq đã kết thúc”. 170.000 lính Mỹ thời kỳ đỉnh điểm tại Iraq sẽ trở thành dĩ vãng. Nếu như binh sĩ Mỹ vui mừng vì được trở về nhà thì người dân Iraq trở nên lo toan hơn cho tương lai của mình.
Cuộc chiến của Mỹ tại đây đã làm hàng chục ngàn người dân Iraq (có thống kê lên đến 112.000) và hơn 6.000 binh sĩ Mỹ thiệt mạng. Số bị thương thì lớn hơn nhiều. Thêm vào đó là 1,75 triệu người Iraq bị mất nhà cửa. Nỗi đau mất người thân và ám ảnh chiến tranh khó có thể phai mờ trong tâm trí người dân Iraq, bên cạnh đó là một tương lai không mấy sáng sủa. Bất chấp một chính phủ chia sẻ quyền lực giữa người Hồi giáo dòng Sunni, người Hồi giáo dòng Shiite và người Kurd, vẫn còn nhiều vụ tranh giành quyền lực giữa các phe phái. Các vụ nổ bom và tấn công vẫn còn xảy ra hàng ngày mặc dù có giảm hơn trước.
Người dân Iraq lo ngại những xung đột tiềm tàng giữa 3 sắc tộc trên và cả các hoạt động bạo loạn liên quan đến Al-Qaeda sẽ có cơ hội bùng lên sau khi Mỹ rút đi. Chưa kể là khu vực phía Bắc của người Kurd luôn đòi tự trị, điều mà Mỹ chưa thể giải quyết trong cuộc chiến dù đã hứa xem xét khi Mỹ thuyết phục người Kurd ủng hộ mình lật đổ ông Saddam.
Các quan chức cấp cao quân đội Mỹ nói thẳng ra là họ lo ngại cho khả năng bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Iraq, kể cả an ninh của các khu vực khai thác dầu ngoài khơi vịnh Persic. Ngay cả buổi lễ đánh dấu sự triệt thoái quân khỏi Iraq, Mỹ cũng phải huy động trực thăng bảo vệ an ninh. Các cuộc bàn giao các căn cứ quân sự của Mỹ cho phía Iraq cũng diễn ra âm thầm, tránh trở thành mục tiêu tấn công của các tay súng nổi dậy.
Lịch sử phán xét
Trong bài diễn văn đọc trước binh sĩ Mỹ tại bang North Carolina đánh dấu chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Iraq, Tổng thống Obama phải rất thận trọng không nhắc tới cụm từ “sứ mệnh hoàn thành” và ông còn thêm rằng: “Lịch sử sẽ phán xét cuộc chiến của Mỹ tại Iraq”. Cuộc chiến tranh do Mỹ phát động ở Iraq đã, đang và sẽ còn tiếp tục là đề tài để nghiên cứu và tranh luận, cả ở Mỹ và trên thế giới.
Nhiều chuyên gia về Trung Đông nhận định phải mất nhiều năm nữa mới có thể rút ra được bài học lịch sử rõ ràng từ cuộc chiến Iraq. Có điều chắc chắn là lại một lần nữa nước Mỹ phải rút khỏi một cuộc chiến mà họ không giành được chiến thắng.
Một cuộc thăm dò công luận mới đây của Đài tin tức CBS cho thấy 77% người Mỹ được thăm dò tán thành quyết định triệt thoái quân đội nước này khỏi Iraq. Nhiều người nêu nghi vấn liệu các mục tiêu rộng lớn của Mỹ có đạt được. Tác giả Peter Van Buren một nhà ngoại giao Mỹ đã chỉ trích mạnh mẽ cuộc chiến tranh này trong cuốn sách mới đây của ông.
Ông Buren nói: “Hai vị tổng thống (George Bush và Barack Obama) đã nói với chúng ta rằng nhiệm vụ của chúng ta ở Iraq là thiết lập một nền dân chủ ổn định để trở thành một liên minh của Mỹ và một tiền đồn chống khủng bố ở Trung Đông. Khó mà nói được là chúng ta đã đạt được hai mục tiêu đó”. Mặc dầu Mỹ đã chi ra hơn 60 tỷ USD dành cho các dự án phát triển tại Iraq, nhiều nhà phân tích cho rằng chỉ có một phần nhỏ là thực sự được chi tiêu cho việc tái thiết.
Một ủy ban điều tra của Quốc hội Mỹ khẳng định, trong cuộc chiến tranh tại Iraq và Afghanistan, Bộ Quốc phòng đã gây lãng phí 30 tỷ USD qua các hợp đồng ký một cách vô tội vạ. Ủy ban còn nhận thấy, chính những sai sót trong quản lý ngân sách đã làm xấu đi hình ảnh của nước Mỹ ở nước ngoài và khuyến khích tham nhũng tại hai nước có chiến sự nói trên.
Nhà Ngoại giao Peter Van Buren nhận xét: “Phần còn lại thất thoát qua những chi phí về an ninh, lãng phí, gian lận và quản lý sai trái, tham nhũng và các hình thức mất tiền khác khiến cho số tiền thực sự chi cho việc tái thiết rất ít”. Quyết định triệt thoái quân đội Mỹ ra khỏi Iraq đã nêu ra những thắc mắc về tình hình bạo động tiếp diễn ở đó, và mối đe dọa của việc Iran nhảy vào can thiệp.
Ông Adam Mausner, thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế của Mỹ nói: “Việc rút quân chắc chắn sẽ tạo ra một khoảng trống quyền lực lớn trong khu vực, do đó việc triệt thoái quân đội Mỹ tạo ra một lợi thế chính cho Iran gây ảnh hưởng với Iraq”. Đối với các binh sĩ Mỹ thì cuộc chiến tranh ở Iraq đã đến hồi kết thúc. Đối với hàng triệu người dân Iraq, một tương lai mới bất định chỉ vừa mới bắt đầu.
Chưa hết, một nước Mỹ sẽ phải lo toan cho một thế hệ cựu binh tham chiến tại Iraq với vết thương tinh thần và thể xác khó có thể hàn gắn một sớm một chiều.
Khánh Minh (tổng hợp)