Trong khi bị chỉ trích vì chiến lược có thể dẫn đến sai lầm trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục đổ khoản tiền lớn vào Iraq và Syria.
Chiến lược chưa đáng tin
Theo hãng tin Fars của Iran, ngày 22-10 Iran tuyên bố liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu không đáng tin cậy và cho rằng hoạt động của liên minh này sẽ sớm thất bại. Thứ trưởng Ngoại giao Iran Amir Hossein Abdollahiyan nói Iran nghi ngờ mục đích thực sự của Mỹ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Fars còn cho biết, các tay súng bị thương IS đang được điều trị tại các bệnh viện ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Từ đêm 18-10, IS đã chuyển nhiều tay súng bị thương của mình ở miền Bắc Syria, đặc biệt là tại thị trấn Kobane sang Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn tin trên cũng khẳng định quân đội Thổ Nhĩ Kỳ còn bắn pháo sáng để tạo thuận lợi cho việc vận chuyển này.
Kênh truyền hình Sky News tại Syria cũng thu được các bằng chứng cho thấy giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng dấu vào hộ chiếu của các tay súng thánh chiến nước ngoài tìm cách nhập cảnh vào tham chiến tại Syria. Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định quốc gia Hồi giáo sẽ tiếp tục giúp đỡ Iraq trong cuộc chiến chống lại IS.
Người dân sống ở khu vực bị IS chiếm đóng phải bỏ nhà cửa để lánh nạn.
Itar-Tass ngày 22-10 đưa tin, Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin tuyên bố ông không ngạc nhiên trước những thông tin nói rằng vũ khí Mỹ cung cấp cho lực lượng người Kurd ở thị trấn Kobani của Syria rơi vào tay các phần tử IS. Trước đêm 18-10, máy bay Mỹ đã thả các gói hàng viện trợ bao gồm vũ khí, đạn dược, thuốc men cho các tay súng người Kurd cố thủ bảo vệ Kobani trong vòng vây của IS.
Ông Vitaly Churkin nói rằng sai lầm đó cho thấy cần phải phát huy tính hiệu quả và chính xác hơn khi phối hợp hành động với Damascus và hành động trên cơ sở các quyết định của Hội đồng Bảo an LHQ. Trong khi đó, trả lời phỏng vấn trên Press TV, cây bút chuyên phân tích chính trị của tạp chí Executive Intelligence Review của Mỹ William Jones cho rằng Mỹ đang theo đuổi chiến lược có thể dẫn đến sai lầm để đối phó với IS. Ông nói: “Khi Mỹ dẫn đầu chiến dịch không kích, dội bom để đánh đuổi IS, chính lực lượng quân đội Mỹ cũng không thể bảo đảm được các cuộc tấn công là chính xác trúng mục tiêu. Và không kích không giải quyết được vấn đề. Triển khai sang cuộc chiến trên bộ cũng chưa chắc giành được phần thắng. Lịch sử đã chứng minh điều này”.
Ông William Jones cũng nhắc đến sự kiện Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký thành luật một dự luật trang bị vũ khí cho phe nổi dậy ở Syria vào tháng 9 vừa qua.
Hỗ trợ từ nhiều phương diện
Phát biểu trước truyền thông, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc, Thiếu tướng hải quân John Kirby xác nhận, Mỹ đã chi trung bình 7,6 triệu USD/ngày tại chiến trường Iraq và Syria. Tính đến nay, chi phí này đã lên đến 424 triệu USD. Giới chức cấp cao Mỹ cũng nói Washington đang cân nhắc đề nghị từ phía Iraq, theo đó gia tăng lực lượng cố vấn và huấn luyện quân sự tại quốc gia Hồi giáo này để hỗ trợ cuộc chiến chống IS.
Bộ Quốc phòng Canada cho biết, một phi đội gồm các chiến đấu cơ CF-18 Hornet đã xuất phát từ căn cứ Cold Lake của nước này ở Albert để tới Trung Đông để hợp tác chống IS. Theo bộ trên, Canada cũng sẽ đóng góp khoảng 600 nhân viên tham gia các chiến dịch, trong đó có các nhân viên hỗ trợ phi hành đoàn, như chỉ đạo, điều khiển và hậu cần.
Ngoài hỗ trợ quân sự, các nước còn hỗ trợ nhân đạo với mục đích phi quân sự để giúp người dân ở những khu vực bị IS đe dọa. Theo Sydney Morning Herald, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop thông báo Australia sẽ chi thêm 13,1 triệu USD để hỗ trợ cho người dân ở Iraq va Syria thông qua LHQ và các cơ quan khác. Theo LHQ, có khoảng 16 triệu người ở Iraq và Syria đang cần viện trợ nhân đạo.
NHƯ QUỲNH (tổng hợp)