Lẩn khuất trong các lùm cây vào ban đêm ở Tây Nam Á; ẩn mình trong những khu rừng rậm Nam Mỹ; bắt cóc người tại Maghreb, Bắc Phi; giao chiến với các tay súng tại vùng Sừng châu Phi… Ở khắp “hang cùng ngõ hẻm” trên thế giới đều có sự hiện diện của các lực lượng tác chiến đặc biệt (SOF) của Mỹ, những người đang trực tiếp tham gia các cuộc chiến bí mật do Chính phủ Mỹ phát động.
Có mặt tại 134 nước
Những nhiệm vụ bí mật chỉ phần nào được giải mã với phóng sự điều tra của trang web TomDispatch.com với nhiều tài liệu đáng tin cậy mà trang web này có được từ các cơ quan, nhân viên hoạt động trong bộ máy chính quyền Mỹ. Các hoạt động được truyền thông đưa tin rộng rãi của SOF có thể kể đến như cuộc tập trận với 10 quốc gia thành viên ASEAN cùng một số quốc gia khác như Nga, Ấn Độ, Trung Quốc tại Tây Java, Indonesia vào tháng 9-2013; tham gia huấn luyện tại Djibouti, Malawi và quần đảo Seychelle tại Ấn Độ Dương tháng 4 và tháng 5-2013…
Tuy nhiên, đó chỉ là các hoạt động bề nổi của SOF. Rất nhiều hoạt động bí mật sẽ không hoặc chưa công khai như tháng 10-2013, quân đội Mỹ tiến hành các cuộc bố ráp tại Libya và Somalia, bắt cóc một nghi cán khủng bố. Trong chiến dịch này có SEAL, đơn vị đặc nhiệm của hải quân Mỹ, tham gia. Tháng 11, xuất hiện trong lực lượng cứu trợ các nạn nhân của siêu bão Haiyan của Philippines cũng có sự hiện diện của SOF. Sắp tới, Green Berets, một đơn vị khác thuộc SOF sẽ bắt đầu sát cánh cùng quân đội Afghanistan tại Bahlozi, tỉnh Kandahar.
Kể từ sau vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11-9-2001 vào Mỹ, SOF “phình to” chóng mặt về mọi mặt từ quân số đến ngân sách. Theo các tài liệu của TomDispatch.com, SOF có mặt tại gần 70% các quốc gia trên thế giới. Nhìn lại quá trình phát triển của SOF mới thấy được sự phát triển nhanh chóng của lực lượng đặc biệt Mỹ. Vào thời điểm cựu Tổng thống G.W.Bush bắt đầu nắm quyền vào năm 2001, SOF được triển khai tại khoảng 60 nước trên thế giới. Đến năm 2010, theo Karen DeYoung và Greg Jaffe của tờ Washington Pos, con số này đã tăng lên đến 75. Đến năm 2013, thiếu tá Matthew Robert Bockholt, phụ trách các vấn đề công chúng của SOCOM, cho biết SOF đã được triển khai tại 134 quốc gia trên toàn cầu. Mức tăng 123% trong những năm qua dưới thời đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama còn chưa kể đến các chiến dịch tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), gián điệp trên mạng…
Hậu quả khôn lường
Năm 2013, người đứng đầu Bộ chỉ huy lực lượng tác chiến đặc biệt (SOCOM), tướng William McRaven, khẳng định trước Ủy ban quân vụ Hạ viện Mỹ rằng, hoạt động của cơ quan của ông sẽ mang tính toàn cầu. “SOCOM sẽ tăng cường mạng lưới toàn cầu để hỗ trợ cho các đối tác quốc tế trước những mối đe dọa đang nổi lên. Sự hiện diện thường xuyên tại các địa điểm quan trọng sẽ giúp SOCOM có thể phản ứng nhanh chóng khi cần thiết.”, ông McRaven nói.
Tuyên bố của ông McRaven ngày càng được củng cố dưới thời của Tổng thống Obama. Còn nhớ, năm 2008, ông Obama lên nắm quyền với hình ảnh được miêu tả như một vị tổng thống chống chiến tranh. Tuy nhiên, những động thái trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Obama chứng tỏ ông là một vị tổng chỉ huy quyết đoán và cũng không kém phần hiếu chiến. Trong khi triệt thoái quân khỏi Iraq cũng như chuẩn bị rút quân khỏi Afghanistan, người ta nhận thấy binh sĩ Mỹ đang nhanh chóng hiện diện ở châu Phi, tăng cường thêm quân đội tại Mỹ Latinh và chuyển trục sang châu Á.
Không chỉ dừng ở việc phát triển lực lượng đặc nhiệm trên bộ, Nhà Trắng cũng tăng cường lực lượng đặc biệt trên không. Đó là các đơn vị UAV, vốn bị cộng đồng quốc tế phản đối do tỷ lệ sát thương thường dân cao. Theo Tổ chức Các nhà báo điều tra có trụ sở tại London, Anh, trong suốt thời gian nắm quyền, cựu Tổng thống G.W.Bush chỉ thực hiện 51 cuộc tấn công bằng UAV, thì riêng trong nhiệm kỳ đầu của mình, ông Obama đã hạ lệnh thực hiện 330 vụ tấn công . Riêng năm ngoái, Mỹ đã tham gia vào các hoạt động chiến đấu ở Afghanistan, Libya, Pakistan, Somalia và Yemen. Những tiết lộ mới đây của cựu nhân viên CIA Edward Snowden còn cho thấy Mỹ đã phát triển mạnh mẽ, trên quy mô toàn cầu “quân đội không gian mạng”.
Điều đáng nói ở đây là những hậu quả hoạt động quân sự của Mỹ đã gieo tai họa cho toàn cầu. Cuộc xâm lược Iraq của Mỹ hơn 10 năm trước đã biến quốc gia này từ chỗ hầu như không có sự hiện diện của al-Qaeda, giờ trở thành vùng đất của những phần tử khủng bố, bất ổn về an ninh. Việc Mỹ can thiệp quân sự, hỗ trợ việc lật đổ nhà lãnh đạo Libya Muammar Qaddafi không những khiến Libya bất ổn mà còn biến Mali thành nơi trú chân của khủng bố trong khu vực. Thêm một minh chứng rõ nét nữa là Nam Sudan-một quốc gia được Mỹ hỗ trợ kinh tế và quân sự, giờ đang tiền gần hơn đến bờ vực của một cuộc nội chiến.
Tổng thống Obama đã phát triển lực lượng đặc biệt của quân đội Mỹ để đạt được mục tiêu chiến lược, lợi ích cho Mỹ. Tuy nhiên, việc triển khai lực lượng này đến những nơi người Mỹ có hiểu biết sâu sắc đã dẫn đến những hậu quả khôn lường. Andrew Bacevich, giáo sư lịch sử và quan hệ quốc tế tại Đại học Boston, đã nhắc đến một kinh nghiệm đau đớn là việc Mỹ hỗ trợ bí mật cho các chiến binh Hồi giáo chống lại Liên Xô ở Afghanistan trong những năm 1980. Chính những tay súng được CIA dày công huấn luyện chống lại Liên Xô đã trở súng chống Mỹ, tạo ra cuộc tấn công gây chấn động thế giới năm 2001 với kẻ chủ mưu Osama Bin Laden, người từng được Mỹ “nuôi dạy”.
Thành lập vào năm 1987, SOCOM ước tính quân số của cơ quan này sẽ là 72.000 người trong năm 2014, tăng từ 33.000 trong năm 2001. Ngân sách cho SOCOM cũng tăng theo cấp số nhân từ 2,3 tỷ USD năm 2001, tăng lên 6,9 tỷ USD trong năm 2013. Số nhân viên triển khai ở nước ngoài tăng vọt từ 4.900 người năm 2001, tăng lên 11.500 người vào năm 2013. |
ĐỖ CAO (tổng hợp)