Mỹ tiếp tục tuần tra biển Đông

Ngày 21-5 (giờ Washington), Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục các chuyến tuần tra trên biển và trên không tại các vùng biển quốc tế sau khi Hải quân Trung Quốc liên tục đưa ra cảnh báo yêu cầu một máy bay do thám Mỹ phải rời khỏi không phận phía trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây dựng trái phép ở biển Đông.
Mỹ tiếp tục tuần tra biển Đông

Ngày 21-5 (giờ Washington), Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục các chuyến tuần tra trên biển và trên không tại các vùng biển quốc tế sau khi Hải quân Trung Quốc liên tục đưa ra cảnh báo yêu cầu một máy bay do thám Mỹ phải rời khỏi không phận phía trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây dựng trái phép ở biển Đông.

Trung Quốc vẫn phát ngôn ngang ngược

Theo AP, phát biểu tại cuộc họp báo, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel tuyên bố các chuyến bay do thám của Mỹ là “hoàn toàn phù hợp” và các lực lượng Hải quân Mỹ cùng máy bay quân sự nước này sẽ “tiếp tục thực hiện đầy đủ” quyền hoạt động ở các vùng biển và không phận quốc tế. Ông Russel cho biết thêm Mỹ sẽ hành động nhiều hơn nữa nhằm đảm bảo tất cả các quốc gia đều được hưởng quyền này.

Trước đó, kênh truyền hình CNN đưa tin Hải quân Trung Quốc trong ngày 20-5 đã 8 lần cảnh báo máy bay do thám P8-A Poseidon, một trong những máy bay hiện đại nhất của quân đội Mỹ, khi đang bay phía trên một đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp ở biển Đông. Theo AP, ông Daniel Russel cho rằng hoạt động bay do thám của Mỹ trong không phận quốc tế ở biển Đông là công việc thường xuyên và phù hợp, tất cả các nước và tất cả các hoạt động dân sự đều có quyền đi lại tự do vào những vùng biển và không phận quốc tế.

Trong khi đó, phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 22-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nhắc lại cái mà Trung Quốc ngang ngược gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi của Bắc Kinh đối với quần đảo Trường Sa” (quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam), đồng thời ngang nhiên tuyên bố Trung Quốc “có quyền giám sát vùng trời và vùng biển liên quan để duy trì an ninh quốc gia và tránh bất kỳ tai nạn hàng hải nào”.

Ông Hồng Lỗi cho biết quân đội Trung Quốc đã “đuổi” máy bay Mỹ và hành động này là “phù hợp”. Ông không quên lên án hành động của Mỹ là “vô trách nhiệm và nguy hiểm, có hại cho hòa bình và ổn định khu vực, đe dọa an ninh các đảo và đá ngầm của Trung Quốc”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Mỹ “chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp quốc tế và kiềm chế không dùng bất cứ hành động rủi ro và khiêu khích nào”. Tờ Hoàn cầu Thời báo trong bài xã luận ngày 22-5 gọi chuyến bay do thám của Mỹ tại biển Đông là “khiêu khích”, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh cần phải chuẩn bị các biện pháp đối phó theo “các mức độ khiêu khích từ Mỹ”.

Một trong các công trình mới xây trên đảo Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) bị Trung Quốc chiếm đóng.

Nguy cơ xung đột cao

Theo báo Washington Post, Philippines cho biết Trung Quốc cũng đã đưa ra những lời cảnh báo tương tự với các máy bay quân sự của Philippines trong vòng 3 tháng qua với chủ đích Bắc Kinh muốn biến biển Đông thành khu vực không có máy bay quân sự nước nào khác ngoài Trung Quốc. Báo Washington Post dẫn lời bà Yanmei Xie, nhà phân tích Trung Quốc tại Cơ quan nghiên cứu khủng hoảng quốc tế cho rằng mặc dù Trung Quốc đã che đậy mục đích quân sự tại những hòn đảo nhân tạo, nhưng họ có nhiều khả năng nhằm mục đích thay đổi cán cân quyền lực ở biển Đông. Vì vậy, theo bà Yanmei Xie, biển Đông sẽ trở thành khu vực thường xuyên diễn ra các hoạt động “so găng” giữa Mỹ và Trung Quốc và thậm chí có cả các cuộc đụng độ.

Theo Reuters, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony J. Blinken cho rằng các hành động của Trung Quốc đã làm xói mòn lòng tin trong khu vực và có thể gây xung đột. Ông cho rằng hành vi của Trung Quốc ở biển Đông nhằm thiết lập một tiền lệ mới, theo đó các nước lớn có quyền đe dọa những nước láng giềng nhỏ hơn và kích động căng thẳng, gây mất ổn định và thậm chí có thể dẫn đến xung đột.

Truyền hình ABC của Australia ngày 22-5 dẫn lời các tư lệnh Mỹ cho biết một đường băng dài 3.000m do Trung Quốc xây dựng trái phép trên đảo Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) có thể được đưa vào hoạt động cuối năm 2015. Đây cũng được xem là đảo được Bắc Kinh xây dựng căn cứ quân sự hiện đại nhất. Trung Quốc cũng đã xây dựng cảng nhân tạo trên đảo này có khả năng hỗ trợ các tàu chở dầu, tàu tiếp tế và tàu hải quân. Theo Thew Week.com, đảo Chữ Thập có thể giúp hải quân Trung Quốc khắc phục các điểm yếu của mình trong ý đồ chiếm trọn biển Đông.

THỤY VŨ (tổng hợp)

>> Mỹ tuyên bố tiếp tục tuần tra biển Đông sau cảnh báo của Trung Quốc

>> Trung Quốc, Mỹ “canh” nhau trên biển Đông 

Tin cùng chuyên mục