Mỹ triển khai tàu khu trục đầu tiên tại châu Âu: Châm ngòi chạy đua vũ trang

Đảm bảo lợi ích của Mỹ và đồng minh
Mỹ triển khai tàu khu trục đầu tiên tại châu Âu: Châm ngòi chạy đua vũ trang

Bất chấp sự phản đối và nguy cơ dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang với Nga, Mỹ đã triển khai tàu khu trục đầu tiên trong dự án thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) tại châu Âu.

Tàu khu trục Donald Cook trong một chuyến hải trình.

Tàu khu trục Donald Cook trong một chuyến hải trình.

Đảm bảo lợi ích của Mỹ và đồng minh

Khu trục hạm USS Donald Cook trang bị hệ thống radar Aegis phòng thủ tên lửa đạn đạo đã có mặt tại quân cảng Rota, Nam Tây Ban Nha ngày 11-2. Đây là chiếc khu trục đầu tiên trong 4 chiếc mà Mỹ dự định sẽ triển khai tại châu Âu để tạo thành một hệ thống phòng thủ chống tên lửa cho toàn bộ các đồng minh trong khu vực.

USS Donald Cook sẽ vừa thực hiện chức năng phòng chống tên lửa, vừa tham gia các hoạt động bảo đảm an ninh hàng hải và các chiến dịch quân sự khác của NATO. 3 chiếc tàu trang bị hệ thống radar Aegis khác của Mỹ gồm USS Ross, USS Carney và USS Porter dự kiến sẽ được triển khai trong 2 năm tới, đủ che chắn và bảo vệ cho toàn bộ lãnh thổ và người dân các nước khối NATO.

Các tàu khu trục trang bị radar Aegis có khả năng phát hiện, giám sát các tên lửa đạn đạo của đối phương và phóng tên lửa đánh chặn để tiêu diệt các tên lửa này trên đường bay tới các mục tiêu.

Tổng thư ký NATO Fogh Rasmussen cho rằng sự có mặt của tàu USS Donald Cook tại hải cảng Tây Ban Nha “đánh dấu bước đầu tiên” hướng tới sự gia tăng hợp tác an ninh xuyên Đại Tây Dương như đã đề ra tại Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2010.

Trong khi đó, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Ray Mabus khẳng định việc triển khai 4 tàu chiến đến Rota sẽ giúp đảm bảo lợi ích của Mỹ và các đồng minh trong bối cảnh nhiều khu vực trên thế giới đang xảy ra xung đột, bất ổn.

Nguy cơ chạy đua vũ trang

Trong hệ thống NMD của Mỹ, ngoài việc triển khai các tàu trang bị radar Aegis, Mỹ sẽ xây dựng các hệ thống radar tối tân và triển khai các tên lửa đánh chặn tại một số nước Đông Âu như Romania và Ba Lan. Thông cáo báo chí của NATO khẳng định việc triển khai hệ thống này là hết sức cần thiết để bảo vệ châu Âu khỏi các mối đe dọa từ tên lửa Iran và CHDCND Triều Tiên.

Tuy nhiên, Russia Today dẫn lời giới chức Nga cho biết hệ thống phòng thủ này không nằm ngoài mục đích nhắm vào Nga bởi lý do để Mỹ thiết lập NMD tại châu Âu không còn hiện hữu khi vấn đề hạt nhân của Iran đã và đang được giải quyết. Nga đã nhiều lần yêu cầu Mỹ và NATO đưa ra các bảo đảm pháp lý rằng NMD của họ không nhằm chống lại Nga, song đã không được chấp nhận mà chỉ dừng lại ở việc Washington trấn an Mátxcơva rằng điện Kremlin “lo lắng vô căn cứ”.

Giám đốc Cục An ninh và giải trừ quân bị thuộc Bộ Ngoại giao Nga Mikhail Ulyanov từng tuyên bố Nga có thể rút khỏi Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) nếu Mỹ vẫn tiếp tục phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa.

Không chỉ dừng lại ở những lời đe dọa, cuối năm 2013 Nga thông báo đã triển khai loại tên lửa chiến thuật Iskander-M dọc biên giới các nước NATO để đối phó với NMD của Mỹ tại châu Âu. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố sẽ không cho phép bất cứ quốc gia nào lấn át Nga về mặt quân sự.

Một số nhà phân tích cho rằng vấn đề lá chắn phòng thủ tên lửa đã trở thành vấn đề gây mâu thuẫn chính trong quan hệ giữa Nga và Mỹ. Việc triển khai hệ thống tên lửa NMD của Washington cùng những động thái đáp trả cứng rắn của Mátxcơva sẽ là những tín hiệu đáng lo ngại cho khả năng về một cuộc chạy đua vũ trang giữa 2 cường quốc về quân sự trên thế giới này.

Mới đây nhất, ông Putin đã thông báo về việc Nga đang dốc các nguồn lực vào việc xây dựng các thế hệ tên lửa chiến lược mới cũng như các hệ thống phòng thủ-tấn công bao gồm các tàu ngầm hạt nhân, máy bay ném bom chiến lược cũng như hệ thống kiểm soát trong không gian làm nhiệm vụ trinh sát và tấn công.

ĐỖ CAO (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục