>> ASEAN và Trung Quốc thông qua quy tắc giải quyết tình huống khẩn cấp trên biển
Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 28-29 và các hội nghị cấp cao liên quan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN+1 (với Mỹ và Ấn Độ) và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS).
Phán quyết biển Đông mang tính ràng buộc
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế (PCA), khẳng định các tuyên bố chủ quyền rộng lớn của Trung Quốc ở biển Đông không có cơ sở pháp lý, là mang tính ràng buộc.
Tổng thống Obama hối thúc Trung Quốc tuân thủ nguyên tắc thượng tôn pháp luật và không tiến hành các biện pháp đơn phương có nguy cơ làm leo thang căng thẳng.
Tổng thống Obama cũng cho biết Mỹ muốn làm việc mang tính xây dựng với các nước Đông Nam Á nhằm giảm bớt căng thẳng và thúc đẩy ngoại giao cũng như sự ổn định của khu vực, đảm bảo các tranh chấp, trong đó có vấn đề biển Đông, được giải quyết một cách hòa bình. Theo giới phân tích, cảnh báo của ông Obama có thể sẽ kéo theo phản ứng gay gắt từ Trung Quốc, nhất là khi Bắc Kinh nhiều lần lớn tiếng yêu cầu Mỹ đứng ngoài vấn đề tranh chấp ở biển Đông.
Trưởng đoàn các nuớc chụp ảnh chung tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 14, hai bên cam kết triển khai hiệu quả Kế hoạch Hành động giai đoạn 2016 - 2020, hướng tới kỷ niệm 25 năm quan hệ ASEAN - Ấn Độ vào năm 2017. Năm 2015, kim ngạch thương mại hai bên đạt 58,7 tỷ USD; đầu tư từ Ấn Độ vào ASEAN tăng gần gấp đôi, đạt mức 1,2 tỷ USD. Các lãnh đạo nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư, phát huy tối đa tiềm năng của hai bên, hướng tới mục tiêu thương mại hai chiều đạt 200 tỷ USD vào năm 2022.
Tại hội nghị, Thủ tướng Ấn Độ Modi đề nghị thành lập một lực lượng chung về kết nối để hợp tác mở rộng tuyến đường nối ba bên Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan sang Campuchia, Lào và Việt Nam trong khi đề xuất tăng cường quỹ ASEAN - Ấn Độ với khoản tiền bổ sung là 50 triệu USD.
Tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 11, các nước tái khẳng định tầm quan trọng của EAS là diễn đàn của các lãnh đạo đối thoại về các vấn đề chiến lược, chính trị-an ninh và kinh tế thuộc quan tâm và lợi ích chung nhằm tăng cường tin cậy, hiểu biết, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở Đông Á.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nhu cầu tạo dựng và tăng cường lòng tin giữa các nước, tăng cường vai trò của các thể chế đa phương ở khu vực, xây dựng nền tảng trật tự khu vực thuận lợi cho hòa bình, ổn định và hợp tác, phát triển.
Chia sẻ lo ngại về những diễn biến phức tạp tại biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đây không chỉ là vấn đề tranh chấp chủ quyền biển, đảo, mà còn là duy trì hòa bình, hợp tác, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế.
Cũng tại hội nghị, Mỹ và Nhật Bản kêu gọi Trung Quốc giải quyết các tranh chấp trên biển Đông phù hợp với phán quyết vừa qua của PCA.
Thúc đẩy hợp tác với các đối tác
Cùng ngày, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull mời các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Australia, dự kiến tổ chức ở Canberra năm 2018, trong bối cảnh Australia thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng trong khu vực. Thủ tướng Turnbull đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc thiết lập các mối liên kết chống khủng bố mạnh mẽ với các nước láng giềng như Indonesia, đồng thời cho rằng hội nghị cấp cao sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược của Australia với các nước ASEAN.
Trong ba ngày nhóm họp, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thảo luận việc triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và thúc đẩy hợp tác với các đối tác bên ngoài ASEAN. Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng tái khẳng định cam kết tăng cường và thúc đẩy Cộng đồng ASEAN thông qua việc thực hiện hiệu quả Tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025; thông qua Sáng kiến hội nhập ASEAN giai đoạn III (IAI Work Plan III) và Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN 2025 (MPAC2025). Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng ký Tuyên bố về một ASEAN, một ứng phó: ASEAN ứng phó với thảm họa như là một thực thể trong và ngoài khu vực; thông qua nhiều văn kiện khác nhằm hiện thực hóa 8 ưu tiên của Chủ tịch ASEAN 2016 và triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Tại phiên bế mạc, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đã chuyển giao cương vị Chủ tịch ASEAN 2017 cho Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
THANH HẰNG (tổng hợp)