Mỹ và phương Tây muốn gì ở Iran?

Quan hệ giữa Mỹ và phương Tây với Iran lại lâm vào một đợt cao trào khủng hoảng mới. Nguyên cớ trực tiếp lần này không phải vì vấn đề hạt nhân mà là an ninh biển và dầu mỏ. Nhưng có thể thấy điều gì đằng sau những diễn biến mới trong các mối quan hệ bùng nhùng căng thẳng kéo dài giữa Mỹ và phương Tây với Iran?

Ngày 18-7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tuyên bố Washington sẽ buộc Iran chịu trách nhiệm trực tiếp trước bất cứ âm mưu nào nhằm làm gián đoạn việc vận chuyển trên vùng Vịnh và có khả năng đập tan mọi “âm mưu” của Tehran nhằm phong tỏa tuyến đường biển thương mại này. Đó là một sự đe dọa. Ông Panetta còn khẳng định Mỹ đã chuẩn bị đầy đủ trước mọi tình huống xảy ra tại đây.

Theo kế hoạch, Mỹ và khoảng 20 quốc gia khác tuyên bố tiến hành chiến dịch quét mìn quy mô lớn gần vùng Vịnh từ ngày 16 đến 27-9 sau khi Iran đe dọa có thể chặn các chuyến vận chuyển dầu qua eo biển chiến lược. Mỹ đã triển khai tàu hải quân USS Ponce tới vùng Vịnh để hỗ trợ hậu cần trong nỗ lực chống ngư lôi. Mỹ cũng tăng gấp đôi số lượng các tàu dò ngư lôi lên 8 tàu tại vịnh Persian và điều tới 4 trực thăng chống ngư lôi MH-53 Sea Stallion cũng như các thiết bị do thám dưới nước...

Những động thái này được thực thi trong bối cảnh đang diễn ra cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran liên quan đến việc Iran đe dọa phong tỏa eo biển Hormuz để trả đũa việc Liên minh châu Âu (EU) ban hành lệnh cấm mới đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của nước này, có hiệu lực từ 1-7-2012. Cả Liên minh châu Âu và Iran đều gồng mình khẳng định lệnh cấm này sẽ không gây ảnh hưởng đến nền kinh tế của hai bên, nhưng trên thực tế cái giá phải trả cho lệnh cấm này là không nhỏ đối với các bên liên quan. Nguy cơ giá dầu mỏ tăng lên trong bối cảnh kinh tế Mỹ và châu Âu đang cố hồi sức sẽ không nhỏ. Trên thực tế, Iran hiện nay là nước sản xuất dầu lớn thứ 2 trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), 80% doanh thu hàng năm của nước này là từ xuất khẩu dầu thô. Iran cũng đã từng đưa ra cảnh báo giá dầu sẽ leo thang lên mức 150 USD/thùng nếu phương Tây áp đặt lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ đối với Iran và chính các nước này phải chịu thiệt hại nặng nhất chứ không phải Iran.

Quả đúng là tuyến vận tải qua eo biển Hormuz cực kỳ quan trọng vì chiếm tới 40% lượng dầu của thế giới, nhưng những động thái đưa lực lượng hải quân lớn tới vùng Vịnh của Mỹ và phương Tây vào lúc này không chỉ vì an ninh kinh tế mà còn mục tiêu sâu xa là ngăn chặn ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông. Nếu để Iran phong tỏa eo biển Hormuz như đã tuyên bố thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy đối với Mỹ và phương Tây. Nó sẽ là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với triển vọng tái đắc cử của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Còn EU sẽ là khu vực dễ bị tổn thương về kinh tế và chính trị khi nỗ lực phục hồi kinh tế bị phá sản vì giá dầu tăng...

Mặt khác, Iran có vai trò quan trọng ở Trung Đông và hiện đang là quốc gia có các mối quan hệ khá mật thiết với các lực lượng chống Mỹ ở khu vực nhiều dầu mỏ nhất thế giới này như Syria, Iraq, Hezbollah ở Lebanon… Để tìm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở Syria, cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annan cũng phải đến Tehran nhằm thuyết phục nhà cầm quyền Iran ủng hộ kế hoạch của ông. Trong khi đó, Iran quyết tâm theo đuổi chương trình năng lượng nguyên tử mà Mỹ và phương Tây cho rằng nhằm sản xuất vũ khí hạt nhân. Nếu Iran có loại vũ khí khủng khiếp này thì có thể nắm vai trò lớn hơn trong cán cân quyền lực quốc tế ở khu vực Trung Đông và trên thế giới.

Mỹ và phương Tây đang muốn làm Iran suy yếu để tiến tới “nắm” được Trung Đông sau khi “bình định” Iraq, Libya và có thể là Syria trong thời gian tới!  

NGUYỄN KHẮC ĐỨC

Tin cùng chuyên mục