Từ ngày 11 đến 15-3, đoàn lãnh đạo TPHCM do đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM dẫn đầu, đã có chuyến thăm Yangon và thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar. Tháp tùng đoàn còn có 50 doanh nghiệp với hơn 80 doanh nhân tới Myanmar tìm hiểu thị trường và tìm cơ hội hợp tác, đầu tư.
Cơ hội lớn ở miền đất Thánh sư
Không đợi đến khi Myanmar mở cửa, ngay từ những năm 1990 đã có nhiều doanh nhân Việt Nam tìm đến Myanmar để hợp tác, đầu tư và số lượng doanh nhân Việt Nam đến Myanmar ngày càng tăng trong những năm gần đây.
Theo thống kê của Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam vào Myanmar, tính đến hết năm 2010, các doanh nghiệp Việt Nam đã đăng ký đầu tư vào Myanmar với tổng số vốn đăng ký gần 1 tỷ USD. Hiện những dự án đã triển khai đạt tổng số vốn 500 triệu USD. Số còn lại đang chờ Chính phủ Myanmar cấp phép đầu tư. Các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã và đang đầu tư vào Myanmar là: Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Viettel, Petro Vietnam, Hoàng Anh Gia Lai, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Hoa Sen, Vietranimex...
Từ năm 2010 tới nay, TPHCM đã có 5 đoàn đi xúc tiến thương mại và đầu tư tại Myanmar. Đoàn lần này là đông nhất. Theo Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải, đây là một trong những đoàn hùng hậu nhất của TP ra nước ngoài xúc tiến hợp tác đầu tư từ trước tới nay. Tính đến ngày 27-2-2012, TPHCM có một doanh nghiệp được cấp phép đầu tư vào Myanmar là Công ty cổ phần Dược phẩm Ánh Sao Việt với vốn đầu tư 20 triệu USD xây dựng nhà máy dây chuyền sản xuất và phân phối dược phẩm.
Điểm nổi bật trong chuyến thăm của đoàn TP lần này là việc ký biên bản ghi nhớ (MOU) về việc thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa TPHCM và TP Yangon cũng như ký kết 12 biên bản hợp tác giữa các doanh nghiệp của 2 bên. Thị trưởng Yangon U Hla Myint cho biết MOU giữa TPHCM và Yangon là biên bản hợp tác đầu tiên giữa Yangon với một thành phố nước ngoài kể từ khi chính phủ mới của Tổng thống Thein Sein nhậm chức tới nay.
Tại buổi gặp gỡ giữa các doanh nghiệp TPHCM với lãnh đạo TP Yangon, Chính quyền TP Yangon cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để hội chợ thương mại của TPHCM tại Yangon vào tháng 5-2012 thành công. Các nhà lãnh đạo Myanmar đánh giá cao hội chợ thương mại hàng Việt Nam tổ chức vào năm 2011, trong đó nhiều mặt hàng của Việt Nam được Myanmar ưa chuộng do mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá cả phải chăng.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cũng đã mời Yangon tham gia hội chợ du lịch quốc tế 4 quốc gia - 1 điểm đến lần thứ hai do TPHCM tổ chức vào tháng 9-2012.
Theo ông Trần Hùng Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist), qua một thời gian hợp tác với các đối tác ở Myanmar, lượng du khách từ Việt Nam đến Myanmar và ngược lại ngày càng tăng, du khách Việt Nam có ấn tượng tốt về đất nước và con người Myanmar.
Lãnh đạo TP Yangon cho biết luật đầu tư mới của Myanmar nay mai sẽ ra đời, tiến trình cấp phép đầu tư sẽ được rút ngắn. Riêng vấn đề thiếu điện, Myanmar cũng đang gấp rút xây thêm nhà máy thủy điện sẽ đưa vào vận hành trong thời gian tới.
Yangon thức giấc
Cảm nhận đầu tiên của những người đặt chân xuống sân bay quốc tế Yangon là sự vắng vẻ. Do Myanmar mới tuyên bố mở cửa chưa lâu và do EU, Mỹ chưa dỡ bỏ cấm vận nên các chuyến bay quốc tế rất khiêm tốn. Bảng thông báo các chuyến bay đi và đến trong ngày của sân bay tròm trèm chưa tới 20 chuyến. Ở lĩnh vực này, có lẽ người Thái đang ở thế thượng phong với 3 hãng hàng không có mặt tại đây. Hãng hàng không quốc tế Myanmar (MAI) có số lượng máy bay và chuyến bay còn rất hạn chế.
Hiện MAI đang có đường bay đến 13 thành phố của các nước trong khu vực châu Á với các máy bay Airbus A320, Airbus A319 và Boeing 737-400.
Bên ngoài khu vực sân bay, đường phố Yangon cũng khá vắng với đa số xe hơi cũ, từ thập niên 1980, 1990 trở về trước. Do từ cách đây 10 năm Myanmar cấm xe gắn máy tại khu vực trung tâm Yangon nên đường phố tại đây trông có vẻ thoáng hơn nhiều nơi khác. Tuy nhiên, do lượng xe công cộng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân nên tình trạng quá tải trên các xe công cộng là điều dễ thấy.
Người ta phải đu người trên phía sau các xe khách. Xe taxi rất cũ, đa số không có kính, không có đồng hồ tính giờ, không có đồng hồ tốc độ. Chỉ thỏa thuận giá cả trước khi đi. Nhưng tình hình đang thay đổi nhanh theo chiều hướng tích cực. Theo thông tin của văn phòng thị trưởng Yangon, chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm 2012, Myanmar đã cấp phép nhập khẩu 20.000 xe hơi và dự báo con số này sẽ tăng thêm trong thời gian tới.
Điểm đáng chú ý nhất của người dân Myanmar là sự chất phác. Xuất phát từ quan niệm của Phật giáo (chiếm 89% dân số Myanmar), người dân Myanmar luôn tâm niệm không sử dụng những gì không phải của mình. Do đó, hầu như không có trộm cắp, cướp giật. Một thành viên trong đoàn TPHCM làm rơi ví trong khuôn viên khách sạn, nhân viên khách sạn nhặt được, ghi lại toàn bộ số tiền và mệnh giá trong ví và giao lại tận phòng của khách.
Rất nhiều nhà cửa ở Yangon cũ kỹ vì người dân nơi đây không chú trọng xây nhà mà đa số đều muốn để giành tiền để xây chùa. Ngoài ra, người dân Mayanmar cũng có ý thức tốt, nhất là những nơi công cộng. Ngay cả giữa đêm cũng không vượt đèn đỏ. Do từng là thuộc địa của Anh nên trình độ Anh văn của người dân Myanmar rất khá. Đa số quan chức khi tiếp xúc với người nước ngoài đều sử dụng tiếng Anh. Người dân cũng vậy, tiếng Anh được sử dụng khắp nơi.
Trang phục tiêu biểu nhất của người dân Mayanmar chính là xà rông (longy) và dép quai kẹp. Cả nam lẫn nữ, người già hay trẻ em và từ thường dân đến tổng thống đều quấn longy, đi dép kẹp.
Tạm biệt Myanmar, hình ảnh đọng lại nhiều nhất trong lòng khách phương xa chính là sự chất phác của người dân cùng với trình độ Anh ngữ phổ cập. Người ta tin chắc rằng từ những lợi thế này, Myanmar sẽ tiến xa.
Myanmar là nước có quan hệ rất sớm với nước ta. Năm 1947, Việt Nam đặt cơ quan thường trú tại Yangon. Trong lúc Myanmar còn nhiều khó khăn, chính phủ và nhân dân Myanmar luôn luôn dành cho nhân dân Việt Nam sự ủng hộ trong hai cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay. Hai nước đã nâng quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ vào ngày 28-5-1975. Chuyến thăm Myanmar của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào các thời điểm tháng 8-2007, tháng 4-2010 và tháng 12-2011 đã mở ra thời kỳ mới, nâng quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Myanmar lên tầm cao mới. |
THỤY VŨ