Nai Cư Êbur

Cư Êbur là xã vùng ven của TP Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc). Dân số toàn xã hơn 15.000 người, trong đó đồng bào Ê Đê chiếm 50%. Phần lớn hộ dân trong xã làm nghề nông, thu nhập chính từ cây cà phê và chăn nuôi nai.

Trao đổi với chúng tôi, ông Quách Minh Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết: Nghề nuôi nai ở Cư Êbur có từ trước năm 1975, nhưng giai đoạn đầu chỉ nuôi tự phát, lấy lộc nhung để sử dụng là chính. Hơn chục năm trở lại đây, khi thấy hiệu quả kinh tế từ nghề nuôi nai, nông dân Cư Êbur đã nhân tổng đàn nai hiện nay lên 2.460 con, trong đó 50% nai đực để lấy nhung và 50% nai cái sinh sản.

Trong một năm, nai đực cho cắt nhung 2 đợt vào mùa xuân và mùa thu, với trọng lượng nhung 2 - 4kg/con, giá bán 7 - 10 triệu đồng/kg; nai cái mỗi năm sinh sản 1 con giống, sau 3 tháng tuổi bán được 25 - 35 triệu đồng/con.

Thậm chí, có nai đực giống tốt có thể cho thu tới 8kg nhung/năm. Theo tính toán sơ bộ, với tổng đàn nai 2.460 con, trong đó có 1.000 nai cái trong thời kỳ sinh sản và 1.000 nai đực cho thu hơn 3 tấn nhung thì tổng thu nhập từ đàn nai của nông dân Cư Êbur đạt khoảng 55 - 60 tỷ đồng/năm.

Bác Đoàn Võ Trang, một trong những người khởi phát nghề nuôi nai ở thôn 2, xã Cư Êbur, cho biết: “Nai là con vật dễ tính, có sức đề kháng bệnh dịch; thức ăn cho nai ngoài cỏ voi, còn có thể sử dụng những sản phẩm phụ của nghề nông như cùi - vỏ bắp, lá cây xanh, rơm… Chỉ thời gian sinh sản, hoặc cắt nhung mới bồi dưỡng nai bằng những thức ăn có nhiều chất dinh dưỡng như: bột hạt bắp, bột đậu nành, bột đậu xanh, quả mít non. Chỉ 14 tháng tuổi, nai đực đã cho nhung và nai cái bắt đầu sinh sản. Chuồng trại nuôi nai cũng không phải đầu tư tốn kém, chỉ cần cao ráo, chắc chắn. Phân và rác thải từ nuôi nai có thể ủ bón cho cà phê rất tốt!”.

Nói về hiệu quả kinh tế từ nuôi nai, anh Đậu Quang Hoài, thôn 3, nhẩm tính: “Gia đình nuôi 10 con nai (5 đực, 5 cái), năm 2011 vừa qua, đàn nai đực cho thu 15kg nhung, đàn nai cái đẻ được 3 con giống, tổng thu từ nuôi nai được hơn 250 triệu đồng”. Cũng nhờ nguồn thu này, cộng với 2ha cà phê, nên vợ chồng anh Hoài nuôi 3 con học hành chu đáo, xây được nhà lầu khang trang. Tương tự, bác Trần Minh Thanh, thôn 2 nuôi 9 con nai, thu nhập 200 triệu đồng/năm...

Có thể nói, nghề nuôi nai ở Cư Êbur đã và đang hái ra tiền. Tuy nhiên, nông dân Cư Êbur vẫn rất cần sự hỗ trợ vốn để phát triển nghề này vì một hộ khởi nghiệp cần khoảng 60 triệu đồng để mua 1 cặp nai đực và nai cái. Đây là khoản tiền khá lớn, nên rất nhiều hộ nghèo đang cần được hỗ trợ vay vốn ưu đãi để mua con giống, nhân rộng đàn nai.

Mặt khác, các sản phẩm từ nai vẫn chưa có địa chỉ tiêu thụ ổn định, chủ yếu vẫn bán qua thương lái nên thường bị ép giá thấp hơn nhiều so với giá khi đến tay người tiêu dùng. Vì vậy, việc Doanh nghiệp tư nhân thương mại Hoàng Quyến, trụ sở tại thôn 2, xã Cư Êbur đang tiến hành các thủ tục để được đăng ký thương hiệu “Nhung nai Cư Êbur” là việc làm rất cần thiết, có lợi cho nông dân.

Chị Đoàn Uyên Thao, Giám đốc doanh nghiệp Hoàng Quyến cho rằng: “Sau khi xây dựng được thương hiệu “Nhung nai Cư Êbur”, sản phẩm từ nuôi nai ở Cư Êbur sẽ có cơ hội vươn ra thị trường quốc tế và khi đó người nuôi nai không còn bị thua thiệt khi bán sản phẩm”.

Bình Định

Tin cùng chuyên mục