Năm 2011 sẽ có nhiều thay đổi

Hơn một tuần nữa cả thế giới sẽ đón chào năm mới 2011. Năm 2010 đầy biến động kết thúc những không có nghĩa là chấm dứt mọi xung đột từ chính trị, kinh tế cho đến sắc tộc. Dưới góc nhìn của nhà báo Daniel Franklin của tạp chí Economist, năm 2011 sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều sự thay đổi.

Năm 2011 sẽ nối tiếp câu chuyện về 2 thế giới: một thế giới gồm những quốc gia giàu nhưng phải chống chọi sự trì trệ của nền kinh tế và nạn thất nghiệp; một thế giới gồm những quốc gia đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Nền kinh tế thế giới sẽ giằng co giữa các nước nợ ngập đầu và các nước mới nổi. Châu Âu bị chia rẻ xung quanh vấn đề đồng EUR và lợi ích quốc gia. Về chính trị, cũng sẽ có sự xung đột giữa 2 lực lượng. Nhìn khả năng nước Đức sẽ bắt đầu nổi sóng, bất chấp việc nước này đang sở hữu nền kinh tế vững chãi, do sự bất đồng giữa chính phủ và người dân. Ở Mỹ sẽ là trận chiến giữa Nhà Trắng và Quốc hội. Còn quốc gia lớn nhất châu Phi, Sudan, có thể bị chia cắt làm đôi khi người dân miền Nam đang tìm cơ hội để thành lập một chính phủ riêng.

Ý thức hệ và sự thất vọng sẽ luôn thường trực trong mối quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia. Tất cả những cuộc họp thượng đỉnh của G8 và G20 dưới sự chủ trì của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, quốc gia thành viên giữ ghế chủ tịch luân phiên trong năm 2011 nhiều khả năng sẽ không đưa đến kết quả khả quan nào bởi sự tranh cãi về vấn đề tiền tệ, thương mại và các chính sách về khí hậu sẽ vẫn còn. Phương Tây từng tránh suy thoái nhờ sự hợp tác và chia sẻ giữa châu Âu với Mỹ nhưng hiện cả hai đang bận giải quyết những vấn đề nội tại và áp dụng các chiến lược đối lập để giải quyết vấn đề. Điều này cho thấy, sự hợp tác quốc tế sẽ không nhận được sự hỗ trợ tích cực. Cuối năm 2011 có thể vẫn sẽ còn sự ảm đạm của các nền kinh tế đang vật lộn với nợ công ở châu Âu. Cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu sẽ căng thẳng hơn dự báo. Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha dường như là đối tượng tiếp theo. Nhưng những câu chuyện thành công vẫn còn ở Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil… và một phần của châu Phi, khu vực đang có Ghana là một điểm sáng kinh tế. Ngân hàng ABN- Amro dự báo, tăng trưởng GDP thế giới có thể đạt 4,3% trong năm 2011, hơn mức dự báo 4,1% của nhiều nhà kinh tế. 

Năm 2011, dân số thế giới khoảng 7 tỷ người. Nỗi lo lắng về sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên sẽ ngày càng cao, mức cung dường như sẽ không thể đáp ứng được mức cầu của hàng tỷ người dân trên thế giới. Trong khi đó, các kim loại quý như vàng sẽ tiếp tục tăng giá. Nếu kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng yếu, thâm hụt ngân sách sẽ cao hơn khi đồng USD yếu sẽ dẫn tới giá hàng hóa tăng cao hơn (bao gồm cả kim loại quý).  Một trong những bước ngoặt của năm 2011 là Trung Quốc sẽ chiếm vị trí nhà sản xuất lớn nhất thế giới từ Mỹ. Nhưng Trung Quốc cũng sẽ phải để tâm đến Ấn Độ, quốc gia đang có nền kinh tế tăng trưởng nhanh.

Thanh Hằng

Tin cùng chuyên mục