(SGGP).- Ngày 9-11, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo chuyên đề về cam kết của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong lĩnh vực tài chính.
Theo ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, dự kiến, áp lực giảm thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu sẽ đến từ năm 2018 khi Việt Nam thực hiện các cam kết về cắt giảm thuế quan trong ASEAN, ASEAN+ và TPP (dự kiến 2018 sẽ có hiệu lực). Chính vì vậy, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ và vừa qua Chính phủ đã trình Quốc hội các chính sách liên quan đến thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt và các khoản thu khác. Mục đích là để thuế thu từ nội địa được điều chỉnh hợp lý, ổn định, bền vững. Việc hướng đến thu nội địa cũng đã được bộ này điều chỉnh. Cụ thể, theo chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2015, thu nội địa chiếm 70% thu ngân sách và hướng đến năm 2018 là 80% và theo tính toán năm 2015, thu nội địa đã chiếm 74% trên tổng thu ngân sách.
Cũng theo ông Vũ Như Thăng, đề xuất điều chỉnh thuế thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng ô tô tại dự thảo luật vừa trình Quốc hội không phải bù hụt thu ngân sách vì đó là thực hiện theo lộ trình các hiệp định thương mại tự do và chiến lược phát triển công nghiệp ô tô.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, thuế nhập khẩu khi tham gia TPP giảm không có nghĩa là giảm vì thuế chỉ là một trong nhiều yếu tố cơ cấu giá. Tuy nhiên, thuế nhập khẩu giảm sẽ khuyến khích sản xuất trong nước, góp phần giảm chi phí sản xuất. Chính vì vậy, về tổng thể nền kinh tế, giảm thuế nhập khẩu sẽ thúc đẩy đầu tư, mở cơ hội xuất khẩu sang nước ngoài và điều chỉnh lại cơ cấu thị trường nhập khẩu.
Liên quan đến đánh giá của nhiều tổ chức, chuyên gia là Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất khi tham gia TPP, ông Vũ Như Thăng cho rằng, cơ hội sẽ chỉ trở thành hiện thực nếu Nhà nước, doanh nghiệp, người dân tận dụng được. Điều đó sẽ chỉ có được khi có các chính sách tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu, cải thiện môi trường kinh doanh, phòng vệ thương mại... Bên cạnh đó là công tác tuyên truyền để doanh nghiệp, người dân nắm được để tận dụng.
HÀ MY