- Đến năm 2020: Thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau)
(SGGPO).- Chiều nay 29-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT), tiến tới BHYT toàn dân.
Quốc hội yêu cầu chấn chỉnh, nâng cao y đức
Theo đó, Quốc hội tán thành với báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và những nội dung cơ bản về kết quả thực hiện, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHYT giai đoạn 2009-2012; ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ, ngành y tế, bảo hiểm xã hội, các cơ quan liên quan, địa phương và mọi người dân trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT. Đến cuối năm 2012, đã có gần 70% dân số tham gia BHYT; người có công, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên, người dân đang sinh sống ở vùng biển đảo đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ để tham gia BHYT; mạng lưới cơ sở y tế, bảo hiểm xã hội được tổ chức rộng khắp, người tham gia BHYT được hưởng dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB), nhiều kỹ thuật y tế hiện đại và thuốc mới; quỹ BHYT đã đảm bảo cân đối và có kết dư. Những thành tựu này khẳng định chủ trương nhất quán, đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với mục tiêu BHYT toàn dân.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, còn trên 30% dân số chưa tham gia BHYT, chất lượng KCB BHYT ở tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu, chậm khắc phục tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trên; chưa đẩy mạnh cải cách thủ tục trong quản lý BHYT và KCB, chưa có giải pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng trùng thẻ, lạm dụng quỹ BHYT và sự chênh lệch giá thuốc giữa các địa phương; quyền lợi của người có thẻ BHYT chưa được công khai, minh bạch; còn một bộ phận cán bộ, nhân viên y tế vi phạm y đức, vi phạm pháp luật; việc tham gia của các địa phương trong mở rộng BHYT và quản lý quỹ còn hạn chế, một số địa phương còn bội chi quỹ BHYT; công tác tuyên truyền, quản lý nhà nước, giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa kịp thời, nghiêm minh.
Vì vậy, Quốc hội giao Chính phủ bảo đảm đến năm 2015 đạt ít nhất 75% dân số tham gia BHYT và năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT. Đến năm 2020 hoàn thiện việc đầu tư trạm y tế xã ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, giảm ít nhất 50% tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương, hoàn thành việc chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước trực tiếp cho cơ sở KCB sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ KCB.
Trước năm 2018 hoàn thiện việc quy định gói dịch vụ y tế cơ bản do BHYT chi trả phù hợp với mức đóng và điều kiện kinh tế - xã hội, thực hiện các biện pháp để đảm bảo thuốc chữa bệnh có chất lượng và giá phù hợp, khắc phục tình trạng chênh lệch bất hợp lý về giá thuốc giữa các địa phương, triển khai mở rộng mô hình bác sỹ gia đình tham gia KCB BHYT, cải tiến quy định về chuyển tuyến phù hợp với tình trạng bệnh tật. Cùng với đó, chấn chỉnh, nâng cao y đức và chất lượng KCB; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về KCB và BHYT; tăng cường năng lực quản lý nhà nước và giám định BHYT; nâng cao hiệu quả tổ chức bộ máy thực hiện BHYT.
Rà soát các vụ án đã xét xử có mức án tù từ 20 năm đến tử hình để phát hiện án oan, sai
Chiều cùng ngày, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.
Theo đó, đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Quốc hội yêu cầu từ nay đến năm 2015, huy động mọi nguồn lực để phục hồi tốc độ tăng trưởng trong nông nghiệp, đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp toàn diện, cả trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản, lâm nghiệp, bảo vệ rừng và trồng rừng, đặc biệt chú ý rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển gắn với việc phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo vệ các vùng sinh quyển và phát triển du lịch ven biển. Trong năm 2014, hoàn thành việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lý vật tư nông nghiệp; tổ chức lại thị trường, kiểm soát chặt chẽ chất lượng phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật và thức ăn chăn nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Quốc hội cũng giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn rà soát toàn bộ hệ thống hồ, đập thủy lợi để có kế hoạch đầu tư, gia cố, bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ, báo cáo kết quả thực hiện rà soát với Quốc hội vào cuối năm 2014.
Đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ và lĩnh vực cán bộ, công chức, viên chức, Quốc hội yêu cầu từ nay đến hết năm 2014, hoàn thành việc rà soát, đánh giá lại và có biện pháp chấn chỉnh đối với toàn bộ hệ thống tổ chức bộ máy, biên chế, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để báo cáo Quốc hội. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các chính sách về tiền lương, phụ cấp công vụ, cử tuyển đối với cán bộ, công chức cơ sở, cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số, người nghỉ hưu...
Đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và lĩnh vực thông tin, truyền thông, Quốc hội yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước về báo chí, bảo đảm báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về báo chí, tạo chuyển biến tích cực trong lĩnh vực này. Đến năm 2015, hoàn thành việc rà soát quy hoạch tổng thể hạ tầng viễn thông, bảo đảm phát triển hệ thống viễn thông đúng quy hoạch, kế hoạch, có cơ sở vật chất hiện đại, thúc đẩy thị trường viễn thông phát triển nhanh và bền vững, cạnh tranh lành mạnh, chủ động hội nhập vào thị trường viễn thông thế giới. Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý nghiêm việc cung cấp thông tin không lành mạnh, ảnh hưởng xấu đến thuần phong, mỹ tục, đạo đức, lối sống, trật tự, an ninh, an toàn xã hội; tăng cường kiểm tra, xử lý sim rác, tin nhắn rác, quảng cáo rác, trò chơi điện tử không lành mạnh, blog cá nhân có nội dung độc hại.
Đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và hoạt động của ngành Tòa án nhân dân, Quốc hội yêu cầu tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, làm tốt công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao trình độ cán bộ tòa án; thực hiện điều động, luân chuyển, biệt phái thẩm phán để bảo đảm phân bổ hợp lý đội ngũ thẩm phán giữa các địa phương; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương xây dựng đội ngũ cán bộ ngành trong sạch, vững mạnh, có tâm, có tài, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ; phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm đạo đức nghề nghiệp hoặc vi phạm pháp luật.
Nâng cao chất lượng xét xử ở tất cả các cấp, bảo đảm phán quyết của Tòa án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; hàng năm tăng khoảng 5% số vụ xét xử có tranh tụng tại phiên tòa; thực hiện tốt công tác giám đốc, kiểm tra, rà soát các vụ án hình sự đã xét xử trong trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII có mức án tù từ 20 năm, chung thân đến tử hình, có đơn kêu oan kéo dài nhằm phát hiện án oan, sai để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8. Cùng với đó, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ án hình sự, nhất là các vụ án về tham nhũng, hạn chế tối đa việc áp dụng dưới khung hình phạt luật định…
Đến năm 2020: Thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau)
Đầu giờ chiều nay, 29-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.
Theo đó, Quốc hội ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, các địa phương và nhân dân nơi có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh. Công trình đường Hồ Chí Minh đã từng bước phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của cả nước; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; góp phần xóa đói, giảm nghèo, nhất là ở các khu vực, địa phương có tuyến đường đi qua. Những kết quả đạt được đã khẳng định chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh là đúng đắn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Quốc hội nhận thấy việc thực hiện công trình chưa bảo đảm tiến độ; chất lượng xây dựng, hạ tầng kỹ thuật của một số đoạn, tuyến chưa bảo đảm tiêu chuẩn và yêu cầu thoát lũ; lưu lượng phương tiện ở một số khu vực còn thấp; công tác di dân, tái định cư tại một số địa phương chưa đạt yêu cầu; chậm triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội dọc tuyến làm hạn chế hiệu quả tổng hợp của dự án. Nguyên nhân của những hạn chế là do công trình có quy mô lớn, địa hình phức tạp, không gian rộng, thời gian thực hiện dài trong bối cảnh nguồn lực đất nước còn nhiều khó khăn; công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện thiếu tập trung, quyết liệt và kịp thời; việc thực hiện đầu tư còn một số yếu kém.
Vì vậy, Quốc hội ra nghị quyết điều chỉnh tổng chiều dài toàn tuyến là 3.183 km, trong đó tuyến chính dài 2.499 km, nhánh phía Tây dài 684 km. Phân kỳ đầu tư gồm: đến năm 2020, hoàn thành các dự án thành phần để nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô 2 làn xe; sau năm 2020, nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam. Nguồn vốn đầu tư để thông tuyến vào năm 2020 gồm vốn trái phiếu Chính phủ tập trung cho các dự án thành phần cấp thiết do Quốc hội quyết định; vốn ODA và các hình thức đầu tư khác (BT, BOT, PPP) được sử dụng để hoàn thành các dự án thành phần còn lại; cơ cấu nguồn vốn và dự toán từng dự án thành phần do Chính phủ thẩm định, phê duyệt và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo kế hoạch hằng năm.
Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành thực hiện việc phân kỳ đầu tư một cách khoa học, khả thi; tập trung chỉ đạo hoàn thành đồng bộ các dự án thành phần qua Tây Nguyên (Quốc lộ 14 cũ) và các dự án thành phần thuộc Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng sông Mê Công với đường Hồ Chí Minh. Huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư các đoạn tránh đô thị và các đoạn tuyến theo quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Khẩn trương hoàn thành việc cắm mốc giới theo quy hoạch để bàn giao cho các địa phương quản lý trước năm 2015. Thực hiện các giải pháp nhằm bền vững hóa công trình, bảo đảm yêu cầu thoát lũ; xây dựng hệ thống dịch vụ và triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội dọc tuyến để phát huy hiệu quả tổng hợp của công trình...
PHAN THẢO