Nắm đất Vũng Rô

Nắm đất Vũng Rô

Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc thống nhất trọn vẹn, tôi liền về lại thôn An Thổ, xã Phổ An, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi để thăm lại cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương trước đây đã tham gia đón tàu 41 vào Bãi Ngang và tìm về thăm mộ của 2 liệt sĩ đã hy sinh tại đây.

Chính quyền địa phương và bà con thôn An Thổ đã chôn cất và bảo vệ 2 ngôi mộ của liệt sĩ Dương Văn Lộc (thuyền phó) và Trần Văn Nhợ (thủy thủ trưởng) suốt những năm tháng Mỹ ngụy còn chiếm đóng, không cho chúng quậy phá. Ngay từ đợt quy tập mồ mả liệt sĩ đầu tiên sau ngày giải phóng, mộ các anh Dương Văn Lộc và Trần Văn Nhợ đã được đưa về nghĩa trang liệt sĩ địa phương. Và tôi đã nhiều lần đến viếng, thắp hương trên bàn thờ của gia đình và mộ các anh ở nghĩa trang liệt sĩ với tấm lòng nhớ thương vô hạn. Tôi đề xuất ý tưởng của mình và được Đảng bộ, chính quyền địa phương giúp đỡ, đã xây dựng được 2 ngôi nhà tình nghĩa cho 2 gia đình liệt sĩ Dương Văn Lộc và Trần Văn Nhợ. Người thân của các anh giờ đã có được ngôi nhà nghĩa tình ấm cúng, lòng tôi cũng cảm thấy ấm áp phần nào.

Chuyển hàng xuống tàu vận chuyển vào Nam cuối năm 1968.

Chuyển hàng xuống tàu vận chuyển vào Nam cuối năm 1968.

Tháng 2-1990 trong đợt đi tìm mộ đồng đội, tôi đã tìm được mộ của đồng chí Phạm Long, chủ nhiệm Hậu cần Đoàn 125 Hải quân, trong một chuyến đi công tác đã bị địch phục kích hy sinh ở xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Theo yêu cầu của gia đình, tôi đã cùng với các cơ quan có trách nhiệm di chuyển hài cốt của đồng chí Phạm Long về Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh để cho con gái của anh là Phạm Thị Ngọc, đang công tác và cư trú tại thành phố thuận tiện việc thăm viếng.

Đồng thời tôi đã nhiều lần trở về thăm lại bến Vũng Rô - nơi tôi đã 3 lần chỉ huy tàu 41 chở vũ khí cập bến để chi viện cho chiến trường miền Nam. Tôi được gặp lại đồng chí Trần Suyền (Sáu Râu) - Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên - người Tổng chỉ huy bến Vũng Rô hồi đó. Và tôi đã gặp lại người con gái năm xưa đã gửi nắm đất Vũng Rô cho tôi mang ra Bắc và gặp lại ông Trần Kim Bang - nguyên xã đội trưởng xã Hòa Hiệp anh hùng huyện Tuy Hòa.

Tôi còn nhớ như in cái buổi giao thừa Tết Ất Tỵ (xuân 1965) có một cô gái cầm tay tôi, nói: “Em xin gửi anh nắm đất Vũng Rô, mảnh đất chịu nhiều gian khổ, giặc càn đi quét lại nhiều lần vẫn kiên trung, bất khuất. Nay có vũ khí tàu các anh đưa vào, mảnh đất này sẽ lập nhiều chiến công để xứng đáng với tấm lòng của Bác Hồ, của đồng bào miền Bắc và sự hy sinh dũng cảm của các anh thủy thủ”.  Lời nhắn nhủ này còn mãi vang vọng bên tai tôi từ ấy cho đến tận hôm nay.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi có vài lần về thăm lại chiến trường xưa, gặp lại đồng đội cũ và bà con ở làng Cát. Cứ mỗi lần về thăm quê, nhìn thấy sự đổi thay kỳ diệu của quê nhà, lòng tôi vui mừng phấn khởi và cũng không sao cầm được nước mắt khi thắp nén hương trước bàn thờ những người đã hy sinh hoặc khi cầm cánh tay, đỡ lấy thân những người không còn được toàn vẹn vì các anh, các chị đã để lại một phần xương máu nơi chiến trường.

Trong cái bắt tay vui mừng, trong những lời thăm hỏi khi gặp mặt, tôi cố lục tìm một hình hài mảnh mai với tiếng nói đặc sệt quê mẹ Phú Yên và một địa chỉ - dù rất mong manh - của người con gái đã cầm nắm đất gửi cho tôi trong đêm bốc hàng ở bến Vũng Rô năm ấy. Song vẫn bặt vô âm tín.

Cô du kích ấy bây giờ ở đâu? Còn sống hay đã hy sinh? Đồng đội của cô còn ai biết chút ít gì về cô...? Điều đó cứ mãi thôi thúc tôi đi tìm.

Đã hơn 40 năm rồi còn gì! Nhiều đồng đội của cô ngày ấy bây giờ đã là bà nội, bà ngoại của nhiều cháu. Khi gặp lại, người này nhớ một ít, người kia nhớ một ít, rồi cứ thế chắp nối lại. Cho đến một ngày, ký ức thời gian bỗng ập về khi tôi cùng một phóng viên Đài Truyền hình Phú Yên về làng Cát chuẩn bị cho phim “Tết ở Vũng Rô”, tôi mới được thông tin về cô gái năm xưa.

Lòng náo nức muốn tìm gặp người du kích cầm gửi tôi nắm đất Vũng Rô năm xưa, bất chấp cả thời gian, tiết trời chập mưa chập nắng, đoạn đường đi cũng không gần. Chúng tôi quyết định cứ đi.

Cầm tay người nữ du kích năm xưa, lòng tôi bồi hồi xúc động, nước mắt cứ tuôn tràn thấm ướt bờ mi, nghẹn ngào không nói nên lời. Cô vẫn còn nhớ tôi - mặc dù cách mặt nhau đã lâu lắm rồi! Cô kể lại kỷ niệm về 3 lần đón tàu, bốc dỡ vũ khí từ tàu lên bờ, được ăn kẹo miền Bắc và cũng không quên cầm điếu thuốc lá Thăng Long cho người bạn trai đang bận làm nhiệm vụ, không được trực tiếp vào khu vực của tàu. Cô là Nguyễn Thị Tản, một trong 3 cô gái được Ban Chỉ huy bến cử lên tàu của tôi vui Tết Ất Tỵ (1965).

Sau sự kiện Vũng Rô, cô tiếp tục tham gia nhiều hoạt động khác, rồi lấy chồng là một cán bộ quân đội. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cô về định cư ở quê chồng tại xã An Dân huyện Tuy An và cũng từ đó ít người biết tin.

Sau 28 năm tìm kiếm, giờ đây tôi đã có thể nói với cô, với bà con làng Cát rằng: Nắm đất Vũng Rô - một hiện vật lịch sử quê nhà - đang được trưng bày tại Bảo tàng Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam. Đó mãi là niềm tự hào của quê mẹ Phú Yên.

Nguyên xã đội trưởng xã Hòa Hiệp Trần Kim Bang nói: Tôi được xã chọn vào lực lượng trực tiếp tham gia bốc dỡ hàng trên con tàu không số vào bến Vũng Rô. Tôi rất phấn khởi vì được trực tiếp xuống tàu, gặp cán bộ, thủy thủ, tay bắt mặt mừng và nhất là được trực tiếp nhìn thấy tận mắt, cầm tận tay từng khẩu súng và đạn dược, thuốc men được đưa từ miền Bắc vào mà trước đó tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Thế là từ nay có súng và thuốc men trang bị cho lực lượng vũ trang trong tỉnh đánh địch.

Sau sự kiện Vũng Rô, ngày 25-2-1965, địch tập trung một tiểu đoàn quân ngụy, có xe bọc thép, máy bay ném bom B57 và trực thăng vũ trang yểm trợ mở cuộc càn quét vào vùng giải phóng xã Hòa Hiệp. Lực lượng vũ trang xã phối hợp với tiểu đoàn 83 bộ đội chủ lực chặn đánh các mũi tiến công của địch tại núi Quéo. Bọn chúng vấp phải tinh thần chiến đấu quyết liệt của quân và dân Hòa Hiệp. Trận đánh tại đây kéo dài gần 2 ngày. Mặc dù địch dội nhiều bom phá, bom cháy và cả hơi độc để cứu nguy cho đồng bọn nhưng vẫn không thoát chết. Trận ấy, ta bắn cháy một máy bay B57 và tiêu diệt 200 tên địch.

Có vũ khí từ miền Bắc do tàu không số chở vào, ngày 18-7-1965, các chiến sĩ lực lượng vũ trang xã đã đánh trả nhiều đợt tấn công của địch, diệt 81 tên, có 2 cố vấn Mỹ. Vùng giải phóng được mở rộng.

Ngày 24-12-1965, lực lượng vũ trang của xã cùng với bộ đội của huyện trụ trong lòng địch Phú Hiệp A, đánh bật nhiều đợt tấn công của địch từ 8 giờ sáng đến 16 giờ chiều, ta tiêu diệt 25 tên, 2 cố vấn Mỹ và bắn cháy 1 xe bọc thép.

Các trận đánh nói trên làm cho địch rất hoang mang lo sợ. Vùng giải phóng của ta ngày càng mở rộng. Khí thế quần chúng nhân dân rất phấn khởi và tin tưởng cuộc kháng chiến nhất định thắng lợi. Lực lượng vũ trang và nhân dân xã Hòa Hiệp 2 lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Ký sự của Thuyền trưởng tàu 41 - Hồ Đắc Thạnh

Tin cùng chuyên mục