Chỉ còn 10 ngày nữa, năm 2015 sẽ ở lại sau lưng. Theo New York Times, châu Âu sẽ muốn những ngày cuối cùng của năm trôi thật nhanh hơn bất cứ nơi nào khi mà 2015 được xem là năm điêu đứng với lục địa già.
Hiệp ước Schengen bắt đầu có hiệu lực từ năm 1995 được xem là một biểu tượng về sự hội nhập của Liên minh châu Âu (EU), về sự thành công của phát triển kinh tế cũng như giá trị của tự do, dân chủ mà châu Âu luôn theo đuổi. Biên giới của 26 quốc gia thành viên tham gia hiệp ước rộng mở, người dân các nước này có thể thoải mái đi lại như ở trong một quốc gia. Nhưng rồi năm 2015, một hàng rào thép được Hungary, một quốc gia thành viên của Hiệp ước Schengen, dựng lên để ngăn chặn dòng người di cư. Châu Âu lên án hành động của Hungary, xem đó như là hành động “phản bội” lại giá trị của một châu Âu tự do, thống nhất. Tuy nhiên, tiếp theo đó, một thành viên khác của Hiệp ước Schengen là Slovenia cũng nhanh chóng học theo Hungary, dựng hàng rào thép gai với biên giới Croatia, ngăn người di cư bất chấp lời kêu gọi của EU về việc chia sẻ gánh nặng. “Virus” hàng rào kẽm gai sau đó cũng “lây lan” sang Áo. Cùng với những tranh cãi liên quan đến phân bổ hạn ngạch người di cư, giới quan sát cho rằng khủng hoảng nhập cư đã làm nổi bật sự chia rẽ của khối thống nhất châu Âu.
EU vẫn đuợc xem là một siêu cường kinh tế trên thế giới nhưng có một thực tế rằng nền kinh tế ấy vẫn đang chật vật hồi phục sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. GDP của 19 quốc gia thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) năm 2014 thấp hơn nhiều so với năm 2007. Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, thế hệ người trẻ của châu Âu, đặc biệt ở Tây Ban Nha, Italia, Pháp và Hy Lạp, phải đối mặt với nhiều bất ổn. Hiện tượng chảy máu chất xám xuất hiện ngày càng nhiều ở các quốc gia nghèo tại EU. Như ở Hy Lạp, lượng lớn bác sĩ đã rời bỏ đất nước đến những nơi giàu có hơn, như Đức khiến hệ thống y tế của nước này rơi vào khủng hoảng.
Pháp, đất nước với lá quốc kỳ 3 sắc biểu tượng cho Tự do-Bình đẳng-Bác ái, trở thành trung tâm của 2 cuộc tấn công khủng bố làm rúng động thế giới. Sau cuộc tấn công hồi đầu năm vào tòa soạn của tạp chí Charlie Hebdo tại Paris, Pháp và các quốc gia châu Âu luôn đề cao cảnh giác. Nhưng đến vụ tấn công kinh hoàng cũng tại kinh đô ánh sáng ngày 13-11 vừa rồi, châu Âu bị chấn động thật sự. Điều này có ảnh hưởng đến chính sách xã hội theo đuổi tự do, dân chủ mà Pháp cũng như châu Âu theo đuổi? Việc đảng cực hữu Mặt trận quốc gia Pháp chiến thắng vang dội tại vòng 1 cuộc bầu cử vùng ở nước này, cũng như không ít quốc gia châu Âu từ chối người di cư với nỗi lo khủng bố trà trộn trong dòng người di cư, phần nào đã phản ánh được sự lung lay, dao động nhất định.
Trong khi đó, về mặt chính trị, người ta cũng thấy một châu Âu “yếu ớt” trước Nga trong vấn đề Ukraine. Các lệnh trừng phạt đánh vào kinh tế Nga không mang lại tác dụng như mong muốn mà còn khiến nhiều quốc gia thành viên của EU bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn đến sự chia rẽ. Việc Anh “dọa” rời bỏ EU nếu EU không cải cách, hay nỗi lo Hy Lạp rời bỏ khối, vẫn treo lơ lửng cho thấy những khó khăn chưa dễ dàng buông châu Âu
MINH CHÂU