Nấm ăn và nấm làm dược liệu dần được người dân chú ý và sử dụng nhiều hơn trong những năm gần đây. Nấm không xa lạ với người nông dân nhưng nấm vẫn chưa tạo được “sức nặng” như nhiều loại cây trồng khác. Vì vậy, không ngạc nhiên khi nấm trở thành đối tượng trong danh mục sản phẩm quốc gia được ưu tiên đầu tư để tạo ra dòng sản phẩm chủ lực mới của nông nghiệp.
Kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD/năm
Sản lượng nấm thế giới đạt khoảng 25 triệu tấn/năm, tăng từ 7%-10%/năm. Trung Quốc là nơi sản xuất nấm hàng đầu thế giới, rồi đến Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Indonesia, Hàn Quốc. Lãnh thổ Đài Loan và Hàn Quốc đã công nghiệp hóa nghề nấm với việc áp dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến nên đã tạo ra mức tăng trưởng gấp trăm lần trong hơn thập niên qua. Theo Hiệp hội Nấm ăn Hàn Quốc, mỗi năm quốc gia này nhập khẩu lượng nguyên liệu không nhỏ là phụ phẩm trong nông nghiệp như mùn cưa, rơm rạ từ Việt Nam và Trung Quốc để phục vụ ngành công nghiệp trồng nấm, sau đó xuất khẩu nấm sang khoảng 80 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Từ năm 2006 đến nay, tốc độ tăng trưởng của thị trường nấm thế giới bình quân đạt 10%/năm. Đức là quốc gia tiêu thụ nấm lớn nhất thế giới (khoảng 300 triệu USD), Mỹ (200 triệu USD), Pháp (140 triệu USD), Nhật Bản (100 triệu USD). Mức tiêu thụ nấm tính trên bình quân đầu người ở những quốc gia này khoảng 4-6kg/người/năm và tăng trung bình 3,5%/năm. Theo TS Phạm Văn Dư, Cục Phó Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT, năm 2011, kim ngạch xuất khẩu nấm của Việt Nam khoảng 90 triệu USD, còn rất khiêm tốn so với những mặt hàng nông sản khác. Hiện nay, giao dịch nấm trên thế giới (bao gồm nấm tươi, nấm chế biến ăn liền và nấm khô) khoảng 1,26 triệu tấn (3,3 tỷ USD).
Thị trường xuất khẩu nấm mỡ, nấm rơm, nấm mối dạng sấy khô, đóng hộp của Việt Nam còn khá lớn, chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Với nguồn nguyên liệu trồng nấm có sẵn và rất phong phú như rơm, rạ, mùn cưa, bã mía, thân cây gỗ, thân lõi bắp, bông phế thải từ nhà máy dệt… lên đến 40 triệu tấn/năm; nếu chỉ sử dụng 10%-15% số nguyên liệu này để trồng nấm đã tạo ra khoảng 1 triệu tấn nấm/năm và hàng chục ngàn tấn phân hữu cơ. Theo tính toán, 1 triệu tấn nấm mỡ, nấm rơm chế biến xuất khẩu có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD/năm mà không phải nhập khẩu nguyên liệu nào như những mặt hàng nông sản khác.
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nấm ăn và nấm làm dược liệu trong nước đang tăng khá nhanh, chủ yếu là nấm tươi và nấm khô. Mỗi ngày, lượng nấm tiêu thụ tại chợ đầu mối Bình Điền (TPHCM) khoảng vài chục tấn, con số này ở Hà Nội từ 60 tấn trở lên. Sản lượng nấm hàng năm trong nước sản xuất được khoảng 250.000 tấn và nhập khẩu vài ngàn tấn nấm cao cấp từ Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan, Hàn Quốc.
400.000 tấn nấm vào năm 2015?
Tổ chức UNESCO của Liên hiệp quốc đã công nhận giá trị của khoảng 80 loài trong số hơn 2.000 loài nấm có trên thế giới như nấm mỡ, nấm bào ngư, nấm rơm, nấm mộc nhĩ, nấm hương, nấm kim châm, nấm đùi gà… và nấm làm dược liệu như nấm linh chi, nấm vân chi, nấm đầu khỉ, nấm phục linh, nấm chư linh…
Ông Cổ Đức Trọng, Giám đốc Công ty TNHH Linh Chi VINA ở TPHCM cho biết: “Thời gian qua thị trường nấm trong nước đã hình thành và phát triển khá tốt nhưng 80%-90% lượng nấm tiêu thụ trên thị trường, nhất là các siêu thị là nấm của Trung Quốc. Vấn đề là chúng ta sẽ làm gì để giành lại thị phần có sẵn này?”.
Đồng quan điểm trên, TS Phạm Thành Hổ (ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM) cho rằng, chỉ cần đáp ứng đủ nhu cầu trong nước cũng đã là một thị trường rộng lớn cho người trồng nấm. Các nhà khoa học nghiên cứu và khám phá thêm nhiều chức năng khác của nấm đối với sức khỏe con người. So với thịt, lượng protein trong nấm tuy thấp hơn nhưng không có cholesterol, lại có nhiều loại acid amin, acid béo không no, vitamin... Không chỉ là món ăn ngon mà nấm còn làm tăng cường sức đề kháng, chống lão hóa, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, ung thư…
Cần giáo dục và thông tin nhiều hơn công dụng về nấm đến người tiêu dùng để sử dụng nhiều hơn. So với nhiều loại cây trồng khác, chi phí trồng nấm không cao, nên khả năng đầu tư của bà con dễ dàng. Hơn nữa, điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng cho phép trồng nhiều loại nấm ưa nhiệt, ưa mát, ưa lạnh và có thể trồng quanh năm trên nhiều địa bàn với nhiều chủng loại nấm, trong đó có những loại nấm chu kỳ sinh trưởng rất ngắn, như nấm rơm chỉ 10-12 ngày là có thể thu hoạch.
Vì vậy, cần hình thành một ngành sản xuất nấm hàng hóa, tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cho biết, nấm là sản phẩm chủ lực, được xác định là nhiều tiềm năng, sắp tới Bộ NN-PTNT sẽ có quyết định về đề án phát triển nấm đến năm 2020 để có thể tiến tới sản xuất 400.000 tấn nấm vào năm 2015 và 1 triệu tấn vào năm 2020. Không như cây lúa, cà phê hay hồ tiêu, việc sản xuất nấm ở Việt Nam tụt hậu rất xa so với những nước khác như Trung Quốc, Hàn Quốc… về sản lượng và công nghệ. Vì vậy, phải tìm ra vị thế riêng nếu muốn tham gia thị trường, trước hết là trong nước. Trong đó, vai trò của các doanh nghiệp và cơ quan nghiên cứu đóng vai trò quan trọng, và thu hút cho được bà con tham gia trồng, gắn với đầu ra sản phẩm.
Công Phiên