Nam giới nghỉ thai sản ra sao?

Lưu Thị Lương, quận Gò Vấp)

-Tôi làm trong một công ty của quân đội (ở quận Gò Vấp) nhiều năm nay nhưng chưa được phát thẻ BHYT cho năm 2016. Tôi vừa sinh em bé đầu lòng ở Bệnh viện Quân y 175 và phải tự trả chi phí. Vậy khi cơ quan phát thẻ BHYT, tôi có được thanh toán lại chi phí? Được biết, từ năm 2016, chồng được nghỉ thai sản khi vợ sinh. Chồng tôi cần làm thủ tục gì? (Lưu Thị Lương, quận Gò Vấp)

Ông CAO VĂN SANG, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TPHCM: Theo quy định, cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT.

Do chị không nói rõ việc chậm có thẻ BHYT do lỗi của ai nên đề nghị chị sau khi xuất viện có đơn trình bày rõ nguyên nhân chậm có thẻ BHYT kèm toàn bộ hóa đơn gửi BHXH TPHCM. BHXH sẽ thanh toán phần chi phí của chị được hưởng theo quy định và chi phí không thuộc trách nhiệm chi trả của chị nhưng do chậm có thẻ BHYT nên chị đã chi trả trước. Căn cứ vào chi phí đã tính toán, chị có thể khiếu nại đơn vị (đơn vị sử dụng lao động, cơ quan BHXH) để trả lại cho chị.

Khi lao động nữ sinh con thì người chồng đang tham gia BHXH được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau: 5 ngày làm việc; 7 ngày khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày; trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con. Về thủ tục, đơn vị sử dụng lao động nơi chồng chị đang đóng BHXH lập danh sách kèm theo bản sao giấy khai sinh (hoặc giấy xác nhận của cơ sở y tế nếu sinh con phải phẫu thuật) nộp cho cơ quan BHXH.

-Tôi là con liệt sĩ, được cấp thẻ BHYT. Tôi đang làm việc tại một trường học ở quận Bình Tân, dù tôi đã trình thẻ BHYT cho nhà trường nhưng BHXH vẫn nói tôi phải mua BHYT nữa. Tôi thấy như thế là bất thường, quá phiền phức và thiệt thòi cho tôi. (Dương Văn Xa, quận Bình Tân)

-Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự quy định tại Khoản 8 Điều 2 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24-2-2014 của Liên Bộ Y tế - Tài chính. Thông tư này quy định có 5 nhóm đối tượng. Ông đang làm việc tại trường học (thuộc nhóm 1) và là con liệt sĩ (thuộc nhóm 3) nên ông phải tham gia BHYT theo đối tượng nhóm 1. Như vậy, ông cần trả thẻ BHYT đã cấp theo nhóm 3 cho cơ quan lao động địa phương. Sau đó, ông cung cấp giấy chứng nhận con liệt sĩ để cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT theo đối tượng nhóm 1 nhưng có ghi nhận quyền lợi hưởng khám chữa bệnh theo nhóm 3 cho ông.

-Tôi có cháu học tiểu học ở quận 1, cháu mua BHYT tại trường. Trường tự ý dán ảnh học sinh lên thẻ BHYT và đóng dấu nhà trường lên ảnh. Cháu đi khám bệnh, bệnh viện bảo là sai. Không chỉ cháu tôi mà cả ngàn học sinh tiểu học đang không xài được thẻ BHYT. Hướng giải quyết của BHXH TPHCM? (Dương Văn Đại, quận 1)

-Hiện nay, chưa thực hiện quy định dán hình lên thẻ BHYT. Khi đi khám chữa bệnh thì các em sử dụng thẻ BHYT kèm với thẻ học sinh. Do đó,việc nhà trường thực hiện dán hình và đóng dấu giáp lai lên thẻ BHYT là chưa đúng quy định. Chúng tôi đã đề nghị với nhà trường phối hợp thông báo thu hồi để đổi thẻ BHYT và cấp thẻ học sinh để các em sử dụng khi đi khám chữa bệnh.

Tin cùng chuyên mục