Nấm linh chi vàng - giống đặc hữu của Việt Nam

Theo Tiến sĩ Dương Hoa Xô, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, hoạt động của nông nghiệp đô thị rất phù hợp với việc phát triển các loại nấm, nhất là nấm linh chi, nhưng khuyến cáo cần có nguồn gốc cụ thể, có sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ.
Hiện nay, TPHCM có khoảng 10 công ty và 40 trại nấm, chuyên trồng và kinh doanh nấm linh chi, trở thành địa phương có nguồn cung cấp hàng đầu cả nước.
Nấm linh chi trồng trong nước có 2 nguồn, giống từ Nhật Bản và giống bản địa.
Sản lượng nấm linh chi khoảng 250 tấn/năm, chiếm 40% thị trường; còn lại nhập từ Hàn Quốc, Trung Quốc. 
Nấm linh chi được người tiêu dùng sử dụng như là dược liệu (thay vì thực phẩm như nhiều loại nấm khác) để hỗ trợ điều trị các bệnh về tim mạch, tăng cường chức năng miễn dịch, chống viêm, bảo vệ tế bào gan, hạn chế tế bào ung thư...
Tại Việt Nam có nấm linh chi vàng (Ganoderma Colossum, hiện đã được nhân giống và nuôi trồng thành công) là một loại dược liệu đặc hữu, quý hiếm.
Các nhà khoa học Đức đã tìm thấy một số dẫn xuất từ linh chi vàng mọc hoang ở Bạch Mã (tỉnh Thừa Thiên - Huế) có hoạt tính gây độc tế bào ung thư và kháng virus viêm gan siêu vi C. Tuy nhiên, nấm linh chi hiện được coi như một loại nông sản, chưa có sự phân định quản lý cụ thể giữa Bộ Y tế và Bộ NN-PTNT, nên việc trồng và bán đại trà nấm linh chi không phải qua khâu kiểm nghiệm, kể cả đối với nấm nhập khẩu.

Tin cùng chuyên mục