Kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Báo Quân Giải Phóng - Báo Quân khu 7 (1-11-1963 - 1-11-2013)
Thực ra, kể từ ngày ra số báo đầu tiên mang tên Quân khu 7 (QK7), đến nay, tờ báo của các lực lượng vũ trang (LLVT) QK7 mới ra đời được 38 năm. Nhưng theo truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta, việc Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 7 quyết định lấy ngày 1-11-1963, ngày cách đây tròn 50 năm Báo Quân Giải Phóng (QGP), cơ quan của Quân ủy và Bộ Chỉ huy các LLVT giải phóng miền Nam ra số đầu tiên, làm ngày truyền thống của Báo QK7 là hoàn toàn có cơ sở, cả về khoa học và thực tiễn. Năm mươi năm ấy, kiên định, vượt khó, đoàn kết, sáng tạo, vươn lên, Báo QGP trước đây và Báo QK7 ngày nay đã theo sát bước chân chiến sĩ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc.
MỘT
Ra đời trong bão táp của cuộc kháng chiến, ở chiến trường trọng điểm có vị trí chiến lược cho toàn bộ cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, ngay từ số báo đầu tiên (1-11-1963), nối tiếp truyền thống của Báo QĐND, Báo QGP đã thể hiện rõ tính chiến đấu, tiếng nói của các LLVT và nhân dân miền Nam.
Đội ngũ những người làm báo được bổ sung từ nhiều nguồn, đã thể hiện rõ phẩm chất người chiến sĩ vừa cầm viết, vừa cầm súng. Mọi người còn nhớ giai thoại về 14 “vị la hán” rừng miền Đông (tên gọi thân mật của các phóng viên Báo QGP ngày ấy). Các “vị la hán” rừng miền Đông Nam bộ không chỉ dũng cảm bám sát bước chân chiến sĩ từ các chiến dịch nổi tiếng trên chiến khu D, Dương Minh Châu, đường 13 - Tàu Ô - Xóm Ruộng hay Long Khốt, Gò Da, Phước Long, Long Khánh… mà còn là những người làm báo quân đội giàu trí tuệ và ấm áp tình người.
Có những đồng chí đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ như Phạm Ngọc Châu, Trọng Hân, Nguyễn Nghiệm, Huỳnh Công Thu, Mỹ Dung, Bé Nghiệp…
Kế tục truyền thống Báo QGP, từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, dù với những tên gọi khác nhau như Báo QK7, Tin QK7, Tin Tiền phương, Tin Mặt trận… Báo QK7 luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 7 giao. Những phóng viên Báo QK7 và Truyền hình QK7 như anh em một nhà có mặt ngay từ những ngày đầu cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra. Và hơn 10 năm làm nghĩa vụ quốc tế vẻ vang với đất nước và nhân dân Campuchia, các phóng viên báo và Truyền hình QK7 đã có mặt ở những nơi ác liệt gian khổ nhất từ mặt trận 479 đến mặt trận 779 kịp thời phản ánh cuộc sống chiến đấu, học tập và công tác của các đơn vị bộ đội tình nguyện Việt Nam, góp phần cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.
Mỗi giai đoạn lịch sử, tình hình nhiệm vụ cách mạng có khác nhau. Nhưng điều chung nhất, dễ nhận thấy nhất là Báo QGP trước đây và Báo QK7 ngày nay có nét riêng về nghiệp vụ không thể lẫn vào đâu được. Việc cải tiến nâng cao chất lượng tờ báo luôn là nỗi trăn trở của những người làm báo và Truyền hình QK7.
Tinh thần trách nhiệm, sự thủy chung, say nghề ấy đã có hiệu quả thiết thực. 50 năm qua, Báo QGP và Báo - Truyền hình QK7, luôn là người bạn tinh thần không thể thiếu của LLVT và nhân dân miền Đông gian lao mà anh dũng. Các ấn phẩm cũng như các chương trình truyền hình của báo luôn được đánh giá cao; góp phần thiết thực vào công tác Đảng, công tác chính trị của LLVT QK7.
Điểm đáng chú ý, Báo QGP trước đây và Báo QK7 ngày nay là chiếc nôi nuôi dưỡng, đào tạo nên những người làm báo xuất sắc, những nhà quản lý báo chí vững vàng, nhạy bén cho quân đội và cả nước. Đó là các nhà báo, nhà văn: Lê Trực, Minh Khoa, Nguyễn Ngọc Bằng, Phạm Hồng,Võ Thành Liên, Mai Xuân Thái, Nguyễn Viết Tá, Trần Nam Hương, Trần Hàm Ninh, Xuân Huy, Mai Bá Thiện, Trần Phấn Chấn, Đỗ Công Viện, Phạm Ngọc Thành, Ngô Đăng Rêu, Đình Thịnh, Phương Thịnh, Nguyễn Thị Vinh, Phan Tư, Phan Thiệu Cơ, Duy Khải, Văn Thành, Nguyễn Ngọc Lưu, Đức Toàn, Đỗ Kết, Khánh Đàm, Phạm Tuấn, Vũ Ngọc Xiêm, Đỗ Tất Thắng, Nguyễn Sung, Trần Đình Bá, Hoàng Huân, Việt Ân, Lê Huy Nhật, Nguyễn Thế Kỷ, Phùng Bất Diệt, Thanh Cao, Minh Quang, Phan Thanh Dũng, Thanh Hải, Phan Huân, Trần Dũng… (Báo QGP); Trần Thế Tuyển, Phạm Sĩ Sáu, Xuân Hòa, Lê Hanh, Phạm Văn Mấy, Trần Hùng, Huỳnh Thiện, Mai Xuân Thọ, Phan Thanh Viếng, Trần Đại Ngoạn… (Báo QK7). Đó là thế hệ nối tiếp truyền thống Báo QGP - QK7 đang thực hiện nhiệm vụ hôm nay.
Đặc biệt, Báo QGP - QK7 đã đào tạo cho quân đội và đất nước nhiều tổng biên tập (TBT) các cơ quan báo chí lớn như: Đặng Văn Nhưng (TBT Báo QĐND); Vũ Tuất Việt (TBT Báo SGGP); Minh Khoa (TBT Báo QK7 - TBT tạp chí Sân Khấu TPHCM); Trần Thế Tuyển (Phó Cục trưởng Cục Báo chí - TBT Báo SGGP); Nguyễn Viết Tá, Nguyễn Dân Quyền (TBT Báo CCB TPHCM); Trần Đại Ngoạn (TBT Báo QK7, Phó TBT kênh Truyền hình QPVN); Mai Bá Thiện, Phan Thanh Viếng, Ngô Xuân Giang (TBT Báo QK7); Duy Khải (TBT Báo QK9); Phạm Sĩ Sáu (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM)…
Có những phóng viên Báo QGP đã trở thành tướng lĩnh như Thiếu tướng Hồ Văn Sanh, nguyên Chủ nhiệm chính trị Quân khu 9, Phó Tư lệnh Mặt trận 979…
HAI
Một trong những truyền thống tốt đẹp của Báo QGP và QK7 là đoàn kết, thương yêu, giúp nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ. Báo QGP đã hoàn thành sứ mạng vẻ vang nhưng dấu ấn tốt đẹp của nó còn mãi. Những kỷ niệm nghĩa tình của các “vị la hán” rừng miền Đông vẫn còn lưu giữ.
Kế tục lớp đàn anh, 38 năm nay, những người làm báo và Truyền hình QK7 luôn coi việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị là mục tiêu số 1. Để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề ấy, trước hết phải xây dựng nội bộ thật tốt, như một gia đình ấm áp. Còn nhớ những năm tháng gian khổ ác liệt chiến tranh biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế đối với đất nước và nhân dân Campuchia, những người làm Báo QK7 đã chia sẻ, tạo điều kiện cho nhau vượt qua khó khăn thách thức, để hoàn thành nhiệm vụ.
Ngày ấy, cán bộ, phóng viên Báo QK7 phải thay nhau có mặt ở các mặt trận, như một chiến sĩ tình nguyện thực thụ. Các anh Mai Bá Thiện, Vũ Ngọc Xiêm, Đỗ Kết, Đức Toàn… với màu áo Báo QGP đã từng có mặt trong các chiến dịch lớn trên đất miền Đông trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì nay lại sát cánh cùng bộ đội tình nguyện trên các nẻo đường nước bạn ở các mặt trận 479, 779…
Các nhà báo bổ sung sau ngày đất nước thống nhất như Xuân Hòa, Trần Thế Tuyển, Lê Hanh, Trần Hùng… vốn là các chiến sĩ trực tiếp cầm súng ở đơn vị chiến đấu, nay lại bám sát bước chân chiến sĩ từ Xa Mát, Thiện Ngôn, Karatre, Xiêm Riệp, KoKong, Cam bốt…
Lớp phóng viên trưởng thành trong thời kỳ chiến tranh biên giới Tây Nam như Phạm Văn Mấy, Mai Xuân Thọ, Phạm Sỹ Sáu, Huỳnh Thiện, Nguyễn Công Thụ, Tri Phúc…, mỗi người một nét, góp phần tạo nên sức sống tươi mới cho tờ báo của các LLVT QK7.
Một việc làm thường xuyên đã trở thành truyền thống tốt đẹp của Báo QK7 là bồi dưỡng đội ngũ thông tín viên, cộng tác viên. Bằng cách làm chân tình, hiệu quả, Báo QK7 có một đội ngũ thông tín viên, cộng tác viên hùng hậu, luôn gần gụi, coi Báo QK7 như chính ngôi nhà của mình. Có thể nhắc đến các anh chị tiêu biểu như: Trần Ngọc Thị, Phan Oánh, Nguyễn Bơi, Hồ Sơn Đài, Trương Nguyên Tuệ, Trần Ngọc Thổ… (Bộ Tham mưu); Phan Oánh, Võ Xưởng, Thanh Giang, Võ Trần Nhã, Trần Văn Tuấn, Nguyễn Văn Bạch… (Cục Chính trị); Nguyễn Sanh Dân, Thi Nga (Cục Hậu cần), Hồ Sĩ Thành, Hữu Mạo, Hồng Sơn… (BCH Quân sự TPHCM), Thế Tiến, Lê Doãn Hợp… (Sư đoàn 5), Hồng Hựu (Trường Hạ sĩ quan quân khu), Phương Thảo (Sư đoàn 317), Ngô Minh Mẫn, Phạm Quốc Thân, Phạm Thanh Quang… (BCH Quân sự Đồng Nai), Ngô Khanh, Trung Dũng… (BCH Quân sự Long An), Khánh Trâm (Sư đoàn 310)…
Những người làm Báo QK7 không chỉ xây dựng tờ báo thành một đơn vị vững vàng về chính trị tư tưởng, tinh thông về nghiệp vụ, đẹp về văn hóa mà còn xây dựng tòa soạn trở thành một gia đình ấm áp. Hàng năm, báo đều tổ chức gặp mặt truyền thống gia đình nhà báo. Các cuộc gặp nghĩa tình đó đã tạo ra truyền thống, nét đẹp văn hóa riêng của Báo QK7…
50 năm, nửa thế kỷ trôi qua, những chiến sĩ làm báo trên đất miền Đông Nam bộ không thể quên một thời gian nan mà anh dũng ấy.
TP Hồ Chí Minh, tháng 10 năm 2013
Đại tá TRẦN THẾ TUYỂN