Kéo dài trong 2 ngày, Hội nghị thượng đỉnh Phong trào không liên kết (NAM) lần thứ 17 khai mạc tại đảo Margarita, Venezuela ngày 17-9 với chương trình nghị sự gồm nhiều vấn đề lớn, trong đó nổi bật là vấn đề phát huy vai trò của NAM trong tình hình quốc tế hiện nay.
Tăng vai trò chống khủng bố
Với 120 quốc gia thành viên, NAM là tổ chức quốc tế lớn thứ hai sau Liên hiệp quốc (LHQ). NAM gồm có 53 thành viên thuộc châu Phi, 39 thuộc châu Á, 26 thuộc Mỹ Latinh và vùng Caribê, 17 nước quan sát viên và 10 tổ chức quan sát. Trong số các đoàn đại biểu quốc gia, có 20 đoàn do nguyên thủ dẫn đầu, 11 đoàn do phó tổng thống hoặc phó thủ tướng dẫn đầu và 28 đoàn do Ngoại trưởng dẫn đầu.
Toàn cảnh Hội nghị NAM tại Venezuela
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và Ngoại trưởng Delcy Rodriguez cho biết, Venezuela vinh dự đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của NAM trong 3 năm tiếp theo sau khi tiếp quản từ Iran. Tại hội nghị thượng đỉnh, nước chủ nhà đã trình bày kế hoạch chiến lược để tăng cường vai trò của NAM, đưa tổ chức này thành “mũi nhọn” trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế. NAM được thành lập vào năm 1961 để bảo vệ các cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc châu Phi, châu Á, Mỹ Latinh và các quốc gia đang phát triển khác, từng đóng vai trò rất quan trọng trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Các nước thành viên có nguyên tắc chung: giữ gìn độc lập dân tộc, không tham gia bất kỳ khối quyền lực đế quốc nào, từ chối việc thành lập các căn cứ quân sự nước ngoài, bảo vệ quyền tự quyết của các dân tộc và chiến đấu để giải trừ vũ khí.
Trong bối cảnh an ninh toàn cầu đang bị các mạng lưới khủng bố đe dọa, Ấn Độ, đất nước sáng lập ra NAM, có kế hoạch kêu gọi thượng đỉnh NAM thông qua Hiệp ước toàn diện chống khủng bố quốc tế (CCIT), trong đó nhấn mạnh đến nỗ lực hợp tác chống khủng bố xuyên biên giới. Đây là phép thử quan trọng để Ấn Độ trình CCIT trước phiên họp của Đại hội đồng LHQ vào tuần sau. Ấn Độ nhận thức được sự quan tâm ngày càng tăng của LHQ tại các hội nghị toàn cầu chống khủng bố. Các cuộc tấn công khủng bố trên toàn cầu ngày càng tăng và nhiều nước đang mong đợi các tổ chức quốc tế như NAM và LHQ thể hiện vai trò điều phối ngày càng lớn hơn.
Chú trọng an sinh xã hội
Sri Lanka, một thành viên sáng lập khác của NAM đã kêu gọi các nước thành viên phải ưu tiên cao trong xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an ninh lương thực. Đại diện Sri Lanka tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 17 cho rằng, phong trào phải tập trung vào sự phát triển kinh tế xã hội của các nước thành viên. Theo Sri Lanka, trong kế hoạch phát triển của NAM đến năm 2030, phải ưu tiên cao về xóa đói giảm nghèo, an ninh lương thực, y tế và dinh dưỡng, giáo dục, nước và vệ sinh môi trường, năng lượng và cơ sở hạ tầng. Đặc biệt phải tăng thêm cơ hội để phụ nữ được tiếp cận nhiều hơn những phúc lợi xã hội. Theo Chính phủ Sri Lanka, chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan đã gây nên biến động xã hội, xung đột, đẩy hàng triệu người phải đi tị nạn, tạo nên hàng loạt bất bình đẳng xã hội, làm xói mòn các quyền con người cũng như khan hiếm các nguồn lực; cùng với đó là những thách thức về môi trường từ biến đổi khí hậu đang gây ra nguy cơ cho phát triển kinh tế xã hội. Chính phủ Sri Lanka kêu gọi cả NAM và cộng đồng quốc tế phải hành động ngay để đạt được 15 mục tiêu của Chương trình Phát triển bền vững từ LHQ về kiểm soát biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học và giảm rủi ro thiên tai.
THỤY VŨ (tổng hợp)