Ngày 3-3, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận, cho biết tình hình nắng hạn gay gắt diễn ra liên lục trong vòng 3 tháng qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Hiện các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận chỉ tích trữ được lượng nước từ 40% - 60% so với thiết kế, mực nước ngầm thiếu hụt trầm trọng, không đủ lượng nước cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất. Ước tổng giá trị thiệt hại toàn tỉnh Bình Thuận đã trên 7 tỷ đồng.
Đồng lúa ở Bình Thuận không còn nước tưới
Còn tại tỉnh Ninh Thuận, lượng nước tích ở 20 hồ chứa trên địa bàn tỉnh hiện còn hơn 61 triệu m3, đạt gần 32% dung tích thiết kế. Tính đến đầu tháng 3-2016, hơn 150ha diện tích cây nông nghiệp của tỉnh Ninh Thuận bị thiệt hại từ 50% -100% năng suất; gần 300 con gia súc bị chết do thiếu thức ăn và nước uống. Ước tính, tỉnh Ninh Thuận đang có khoảng 40.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt và hàng chục ngàn hộ cần có hỗ trợ gạo. Đến nay, địa phương đã tổ chức hỗ trợ trên 511 tấn gạo cho hơn 8.300 hộ với 34.873 nhân khẩu.
Cùng ngày, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn (Bình Định) Đỗ Văn Sỹ cho biết: Huyện đã có báo cáo đề nghị UBND tỉnh Bình Định và Sở NN-PTNT kiến nghị với thủy điện An Khê - KaNak cung cấp nước tưới chống hạn để khẩn cấp cứu 136,67ha lúa tại xã Tây Thuận. Theo ông Sỹ, từ tháng 12-2015 đến nay, thủy điện An Khê - KaNak không xả nước về suối Cát nên các chân ruộng đã bị khô và sẽ chết hết trong 10 ngày tới.
Trong khi đó, khu vực Đông Nam bộ đang vào cao điểm mùa khô nên nhiều nơi rất nóng rát. Tại huyện Bù Đốp (Bình Phước), một số hộ thuộc hai xã Phước Thiện, Hưng Phước đã phải cắt lúa trên đồng cho bò ăn vì lúa bị khô cháy. Trong số 3.152ha hồ tiêu đang thời kỳ kinh doanh trên địa bàn huyện, có hơn 1.200ha thiếu nước tưới; cùng hàng trăm hécta lúa đông xuân đã gieo trồng bị chết do thiếu nước tưới. Đáng chú ý, hạn hán cũng khiến 4.057 hộ với gần 15.000 người thiếu nước sinh hoạt.
Tại tỉnh Đồng Nai, nắng nóng diễn ra liên tục 3 tháng qua, khiến hầu hết các hồ chứa nước lớn trên địa bàn tỉnh khô cạn dần. Cụ thể, hồ Đa Tôn (huyện Tân Phú) chỉ còn 12 triệu m3 nước (tương đương 62% dung tích hồ); hồ Gia Ui (huyện Xuân Lộc) còn 5,9 triệu m³ nước (bằng 50% dung tích); hồ Suối Vọng (huyện Cẩm Mỹ) còn 1 triệu m³ nước… Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện toàn tỉnh đã có hơn 5.000ha cây trồng (chủ yếu là cây công nghiệp dài ngày) bị khô héo do thiếu nước tưới, thiệt hại ước hơn 11 tỷ đồng.
Nhóm PV