(SGGPO).- Mưa lớn liên tục trong những ngày qua, nước tại các sông khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên dâng cao, cùng với đó, các thủy điện trong khu vực cũng xả lũ để điều tiết nước nên nhiều địa phương ở Nam Trung bộ đã bị ngập nặng, nước lũ chia cắt.
Tính đến chiều 3-11, đã có 7 người mất tích do mưa lũ tại Phú Yên. Đó là các trường hợp: ông Phan Sơn (43 tuổi) ở phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu; ông Hồ Tân (68 tuổi) ở thôn Thạnh Hội, xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa; chị Trần Thị Vinh (24 tuổi) ở thôn Long Uyên, xã An Dân, huyện Tuy An và 4 ngư dân ở TP Tuy Hòa chưa xác định được tên, tuổi. Hiện các địa phương đang tập trung tìm kiếm nạn nhân mất tích, cứu dân ở những vùng bị ngập.
Nhà dân tại huyện Đồng Xuân, Phú Yên ngập chìm trong lũ. Ảnh: Nhật Huy
Hàng trăm nhà dân, trường học ở xã An Định, huyện Tuy An, Phú Yên bị ngập trong nước. Ảnh: TTXVN
Để phòng tránh lũ, ngập lụt, UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, thực hiện phương châm “4 tại chỗ”; tăng cường kiểm tra, rà soát những khu vực thường xảy ra thiên tai, vùng trọng điểm, xung yếu, sạt lở đất, triều cường, vùng ven sông biển, vùng có khả năng bị ngập sâu và các công trình thủy lợi; bố trí lực lượng ở vùng ngập sâu, nước chảy xiết để bảo vệ người dân. Cơ quan chức năng nghiêm cấm người dân đi lại trong vùng ngập sâu, nước chảy xiết hoặc vớt củi trên các sông suối...
|
Mưa lũ đã gây ngập úng và chia cắt ở nhiều địa phương tỉnh Bình Định. Sáng 3-11, tại TP Quy Nhơn nhiều cây xanh bị ngã đổ, các phường ngoại thành TP Quy Nhơn (Bình Định) như Nhơn Bình, Nhơn Phú, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu... đã bị ngập trong lũ. Đặc biệt, tuyến đường Hùng Vương có đoạn đã ngập sâu, chỉ có xe ô tô, xe tải lưu thông. Xe máy và các loại xe thô sơ đều không thể di chuyển được.
Đường Hùng Vương (TP Quy Nhơn) bị ngập trong lũ. Ảnh: Tùy Phong
Trong sáng 3-11, đoàn công tác do ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Quy Nhơn dẫn đầu đã đi kiểm tra công tác phòng chống lũ lụt tại các phường trên địa bàn. Ban chỉ huy quân sự tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cũng đã hỗ trợ cho TP Quy Nhơn 2 ca nô để tổ chức di dời người dân ở những vùng bị ngập nặng, vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. “Chúng tôi đã tổ chức di dời hơn 300 hộ dân vùng bị ngập nặng ở phường Nhơn Phú, đến tránh trú tại Nhà cộng đồng phòng chống lụt bão. Hiện chính quyền TP đang phối hợp với các lực lượng quân sự, công an, biên phòng hỗ trợ, giúp đỡ người dân đối phó với lũ”, ông Dũng nói.
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết, mưa lũ đã gây một số thiệt hại ở các huyện Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, Phù Mỹ, Hoài Nhơn và thị xã An Nhơn.
Tại huyện Hoài Nhơn có khoảng trên 200 trăm nhà dân bị ngập nước, 600ha lúa vụ mùa đang bắt đầu chắc xanh đến chín bị nhấn chìm trong nước, 15 căn nhà bị tốc mái do lốc xoáy. Phòng GD-ĐT huyện Hoài Nhơn cũng đã chỉ đạo các trường nằm trong vùng rốn lũ cho trên 2.000 học sinh cấp từ Mầm non đến THCS nghỉ học.
Tại huyện Hoài Ân, mưa lũ đã làm 776 ngôi nhà bị ngập nước, 1 ngôi nhà sập hoàn toàn, 3.543 con gia súc, gia cầm bị nước lũ cuốn trôi. Thiệt hại nặng nhất là xã Ân Nghĩa, cầu Hương Quang mới xây dựng năm 2012 bị sập 2 nhịp mố cầu, cầu Bù Nú bị sập hoàn toàn đã làm cô lập giao thông 2 thôn Bình Sơn, Nghĩa Điền (xã Ân Nghĩa) và 2 thôn T4, T5 (xã vùng cao Bók Tới).
Một khu dân cư ở phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn) bị ngập do lũ. Ảnh: Tùy Phong
Tại Quảng Nam, do mưa lớn từ ngày 1 đến ngày 3-11 đã khiến huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam bị cô lập hoàn toàn. Đến sáng 3-11, mưa lớn đã gây ngập lụt, ảnh hưởng đến các hộ dân trên địa bàn xã Trà Dơn, Trà Tập và Trà Mai. Riêng đường vào xã Trà Leng bị sạt lở nên các hộ dân đang bị cô lập hoàn toàn. Nhiều tuyến đường giao thông ở huyện Nam Trà My bị ách tắc do sạt lỡ đất. Công trình nước sinh hoạt Trung tâm huyện Nam Trà My bị hỏng đoạn tuyến đường ống dẫn nước sinh hoạt về trung tâm huyện tại vị trí suối Đôi dài 230m làm mất nước cung cấp cho khu vực Tắc Pỏ.
Người dân Khánh Hòa khơi thông dòng chảy qua một cầu dân sinh, hạn chế cầu bị cuốn trôi do xả lũ. Ảnh: Văn Ngọc
Tính đến chiều 3-11, trên toàn tỉnh Khánh Hòa có mưa vừa, nhiều khu vực miền núi có mưa to nên lượng nước từ thượng nguồn đổ về ngày một tăng.
Trao đổi với PV SGGP, ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa cho biết, do mưa lớn, mực nước các hồ chứ trên địa bàn lên nhanh nên các hồ đã tiến hành xả lũ. Trước khi xả, các hồ đã có thông báo cho các địa phương biết, tránh bị động có thể nước lên nhanh. Hiện mực nước trên các sông ở Khánh Hòa đang lên cao, đặc biệt là sông Cái Nha Trang. Nước sông này không chỉ lên nhanh mà lưu lượng dòng chảy rất lớn.
Trưa 3-11, chính quyền địa phương đã cho tiến hành tháo dỡ một phần cầu gỗ Phú Kiểng bắc qua sông Cái, nhằm hạn chế việc cầu bị xé toang như mọi năm. Tỉnh Khánh Hòa cũng đã nghiêm cấm người dân lưu thông qua cầu này để tránh tai nạn thương tâm. Cũng tại Khánh Hòa, do mưu lớn nên tuyến đường du lịch TP Nha Trang - Đà Lạt (Lâm Đồng) nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng, giao thông ách tắc. Lực lượng quản lý đường bộ tỉnh Khánh Hòa đã huy động lực lượng giải phóng đoạn đường bị sạt lở, sớm thông tuyến.
Nước lũ mấp mé cầu gỗ Phú Kiểng bắc qua sông Cái Nha Trang. Ảnh: Văn Ngọc
Gia Lai và Kon Tum: Mưa lũ lớn gây ngập nhiều nơi.
2 tỉnh Bắc Tây Nguyên là Gia Lai và Kon Tum có mưa lớn và kéo dài nhiều ngày gây hư hỏng đường sá, giao thông chia cách, nhiều nơi ngập lụt nặng nề.
Tại Kon Tum, một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là huyện Kon Plông. Sáng 3-11, ông Nguyễn Văn Lân, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết, trong 3 ngày qua, trên địa bàn xảy ra mưa lớn và gây sạt lở nhiều nơi. Trong đó, vào khoảng 20 giờ đêm ngày 1-11, đoạn đường Trường Sơn Đông qua dốc Ngọc Lu, xã Ngọc Tem bị đất đá ở taluy dương ồ ạt đổ xuống gây chia cách giao thông. Sau 8 giờ chia cách, sáng ngày 2-8, ngành chức năng huy động lực lượng thu dọn lớp đất đá vùi lấp trên đường để thông xe. Đến nay đoạn đường Trường Sơn Đông này đã thông xe trở lại.
Một tuyến đường khác cũng bị mưa lũ làm hư hỏng, gây chia cách dân cư là tỉnh lộ 676 đoạn qua xã Đắk Đring. Cụ thể, vào khoảng 16 giờ ngày 1-11, mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về đã cuốn trôi đoạn đường 5 mét thuộc tỉnh lộ 676 nối từ xã Đắk Đring về xã Đắk Nên, gây chia cách gần 1 ngày. Sau đó, huyện phối hợp Sở GT-VT tỉnh huy động lực lượng dùng máy san ủi tạo con đường cho xe máy đi qua. Đến sáng nay thì tiếp tục đưa máy múc, máy ủi san đất, đổ đá tạm thời để xe ô tô đi lại.
Tại Gia Lai, mưa lớn kéo dài trong 2 ngày qua khiến lượng nước trên các sông Ayun, sông Tul, sông Bờ…dâng cao đột ngột và đổ ào ạt về sông Ba. Bên cạnh đó, thủy điện An Khê – Kanak tiến hành xả lũ từ 400m³/s vào sáng 2-11 và nâng lên 1.000m³/s vào tối 2-11 khiến lượng nước lớn đổ dồn về khu vực các huyện phía Đông Nam tỉnh này nhiều hơn. Đến sáng ngày 3-11, một số nơi đã ngập lụt cục bộ. Đơn cử như sáng ngày 3-11, 1 đoạn quốc lộ QL 25 (đoạn qua xã Ia Sao,thị xã Ayun Pa) đã xảy ra ngập lụt một đoạn khoảng 300m, sâu khoảng 0,5m.
Nhiều diện tích hoa màu của dân ở Gia Lai bị nhấn chìm. Ảnh: Hữu Phúc
Đèo Tô Na, nối huyện Krông Pa và Ayun Pa bị sạt lỡ nặng nề
Trong khi đó, tại khu vực đèo Tô Na trên QL 25, nối thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa (Gia Lai) cũng đã bị sạt lở nghiêm trọng với hàng trăm mét khối đất đá lấp toàn bộ đường khiến ách tắc cục bộ từ rạng sáng 3-11. Ông Lê Quý Đức, Giám đốc Công ty CP Quản lý và sửa chữa đường bộ Gia Lai cho biết, sau khi xảy ra vụ việc, đơn vị đã huy động công nhân và thiết bị để dọn dẹp đất đá giúp giao thông được thông suốt. Theo ghi nhận của PV SGGP, khoảng 10 giờ ngày 3-11, tuy tuyến đường đã lưu thông nhưng chỉ cho phép xe hai chiều qua từng đợt. Trong khi xe qua, đất đá vẫn tiếp tục sạt lở và nguy cơ xảy ra tai nạn là rất cao.
Lực lượng dân quân, Công an xã Ia Broăi, huyện Ia Pa chuẩn bị thuyền để cứu hộ. Ảnh: Hữu Phúc
Tại “rốn lụt” buôn Jứ Ma Uôk, xã Ia Broăi (huyện Ia Pa, Gia Lai), ngay từ rạng sáng 3-11, do nước dâng cao nên người dân đã sơ tán trâu, bò lên những khu vực cao hơn. Người già và trẻ em cũng được tập trung tại Trường THCS Lê Lợi để tránh lũ về. Trong khi đó, tại một khu vực rẫy tại buôn này cũng bị cô lập bởi dòng nước vây quanh khiến hơn 20 người và hàng chục tấn phân bón bị mắc kẹt. Ông Rơ Ô A Luyn, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Broăi cho hay: “Đến khoảng 12 giờ ngày 3-11, vẫn còn 17 người bị mắc kẹt ở khu vực nước bao vây. Chúng tôi vẫn tiếp tục đưa thuyền đến vận động bà con rời khỏi nơi này trước khi nước dâng cao hơn nữa. Theo tổng hợp ban đầu từ UBND huyện Ia Pa, toàn huyện bị ngập 60ha bắp, 10ha mè, hơn 10ha đậu đỗ các loại".
Tại huyện Krông Pa, mưa lũ đổ về khiến giao thông ách tắc. Có 7 buôn tại xã Ia Rsai (huyện Krông Pa) đang bị cô lập.
Ở một diễn biến khác, UBND tỉnh Gia Lai đã phát công văn hỏa tốc về việc chấn chỉnh việc vận hành các hồ chứa thủy điện, thủy lợi và triển khai các biện pháp phòng chống lụt bão cho dùng hạ du đập thủy điện, thủy lợi. Trong đó yêu cầu, yêu cầu các đơn vị quản lý và khai thác vận hành hồ chứa thủy điện và thủy lợi trên địa bàn phải nghiêm chỉnh chấp hành việc xả lũ đúng theo quy định vận hành hồ chứa, liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba.
NG.HỮU- T.PHONG- H.PHÚC-V.NGỌC-X.ANH