Năm Vì trẻ em 2011: Hãy làm nhiều việc tốt vì trẻ em

Năm Vì trẻ em 2011: Hãy làm nhiều việc tốt vì trẻ em

Trong không khí thân mật và ấm cúng của ngày đầu năm mới 2011, hôm qua 1-1, mở đầu cho các hoạt động của Năm Vì trẻ em, lãnh đạo TPHCM đã tổ chức họp mặt với 80 em học sinh đại diện cho hơn 1 triệu học sinh toàn TP, nhằm lắng nghe tiếng nói của các em với những ước mơ, hành động của mình về xây dựng TP thân yêu.

  • Hãy lắng nghe tiếng nói trẻ em

Không khí buổi họp mặt “nóng” ngay từ đầu với hàng loạt câu hỏi của các em đặt ra với lãnh đạo TP về việc học hành, vui chơi giải trí, về môi trường mà các em đang sống và cả những việc mà người lớn đang quan tâm hiện nay như tình trạng kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường…

Bạn Trúc Quỳnh, học sinh Trường Tiểu học Nguyễn An Khương (Hóc Môn) phản ánh chương trình học hiện nay quá tải, quá nhiều môn học và phần lớn là lý thuyết, ít thực hành, khiến cho các em phải học ngày học đêm không có thời gian để ngủ, để vui chơi. Bạn đặt câu hỏi: “Phương pháp dạy và học như vậy có tốt không, có đào tạo được nhân tài cho đất nước không?”. Tiếp lời Trúc Quỳnh, Dương Nguyên Khang, học sinh Trường THCS Colette (quận 3) ví von: “Chương trình giảm tải mà ngành giáo dục đưa ra những năm qua như “giảm ở trên, tải xuống ở dưới””.

Còn Bích Phượng, học sinh lớp 11 Trường Lương Văn Can (quận 8) cho rằng, một số giáo viên hiện nay hơi một tí là bắt học sinh phải viết kiểm điểm. “Đã bao giờ các thầy cô lắng nghe và hiểu học sinh đâu. Kiểm điểm chẳng giúp gì trong việc để chúng em học tập tốt hơn” – Bích Phượng bộc bạch. Cả khán phòng ồ lên bất ngờ khi em nói về việc học hiện nay quá nặng về lý thuyết qua dẫn chứng phòng thí nghiệm của trường nhiều năm qua luôn khóa cửa và bụi bám đầy.

 Em mong sao không còn bạo lực trong học đường. Để có được điều này, em mong thầy cô và người lớn phải làm nhiều việc tốt và trở thành tấm gương cho các em noi theo

Em Bảo Trân - HS Trường Phan Chu Trinh

Vấn đề bạo lực học đường cũng được nhiều em quan tâm và đặt thẳng với lãnh đạo TP cần có giải pháp để các em thực sự yên tâm khi đến trường.

Bạn Huỳnh Định Cần, học sinh Trường THCS Đồng Đen (Bình Chánh) nêu lên trường hợp 3 học sinh ở Trường Mạch Kiếm Hùng đánh bạn, bị đuổi học, càng đẩy các bạn vào con đường cùng với tương lai sẽ trở thành người thất học, không việc làm. “Các bạn ấy đâu có lỗi và đâu muốn tương lai cuộc đời mình tối tăm như vậy. Phải có người chịu trách nhiệm về việc này với các bạn ấy chứ” – Cần đặt câu hỏi với lãnh đạo TP.

Cũng ở vấn đề này, khi được hỏi về ước mơ của mình, Bảo Trân, học sinh Trường Phan Chu Trinh (quận Tân Phú) nói ngay: “Em mong sao không còn bạo lực trong học đường. Để có được điều này, em mong thầy cô và người lớn phải làm nhiều việc tốt và trở thành tấm gương cho các em noi theo”.

Bàn về những định hướng phát triển cho tương lai, nhiều em đã kiến nghị TP phải “mạnh tay” hơn nữa với tình trạng xả rác, gây ô nhiễm môi trường, ứng xử thiếu văn hóa trong giao thông, các tệ nạn xã hội… Bạn Hải Phương, học sinh Trường THCS Quang Trung (Gò Vấp) kiến nghị: “TP cần phát triển các địa chỉ Internet lành mạnh, các kênh truyền hình, đài phát thanh dành riêng cho trẻ em để hạn chế và đi đến chấm dứt game online bạo lực”.

Còn Đăng Khoa, học sinh Trường THCS Hưng Phú (quận 8) thì đề nghị: “Mỗi năm TP nên chọn 1 ngày tất cả mọi người đều đi bộ và đi xe đạp để hạn chế ô nhiễm môi trường”. Tất cả ý kiến mà các em đặt ra, theo Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo là rất hồn nhiên và nhiều cảm xúc, đáng để người lớn chúng ta và các cấp chính quyền TP suy ngẫm và có các giải pháp thật xác thực trong thời gian tới.

Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo và Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân chụp hình kỷ niệm với các em tại phòng làm việc của Chủ tịch TP. Ảnh: HOÀI NAM

Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo và Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân chụp hình kỷ niệm với các em tại phòng làm việc của Chủ tịch TP. Ảnh: HOÀI NAM

  • Cần hành động nhiều hơn vì trẻ em

Trả lời các vấn đề mà các em nêu ra, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo – ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên thừa nhận, trong học sinh hiện còn một bộ phận các em chưa ngoan, gây nên những vụ việc ẩu đả, đánh nhau. Trách nhiệm trước tiên thuộc về nhà trường đã thiếu quan tâm, giáo dục kịp thời. Về phương pháp và chất lượng giảng dạy, ông cũng ghi nhận các ý kiến của các em để kiến nghị với lãnh đạo sở sớm có các biện pháp khắc phục. Hiện các trường đều đã có tổ tư vấn học đường, nếu có vấn đề gì phát sinh các em cần chủ động đến để được giúp đỡ.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh - Xã hội cho biết, toàn TP hiện có 50 cơ sở mái ấm nhà mở và 60 cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi, hiện đang tiếp nhận gần 10.000 em có hoàn cảnh đặc biệt. Để đấu tranh với nạn bạo hành trẻ em, bà Nhung đề nghị các em nên mạnh dạn tố giác, phát hiện những trường hợp bị ngược đãi để báo với nhà trường và chính quyền các cấp có biện pháp bảo vệ tốt hơn. Hiện Sở Lao động Thương binh - Xã hội phối hợp với Công an TP qua số điện thoại 113 để tiếp nhận mọi ý kiến tư vấn và yêu cầu được bảo vệ của các em.

Kết thúc buổi họp mặt, Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo ghi nhận các ý kiến của các em và cho biết trong Năm Vì trẻ em 2011, TP sẽ có nhiều công trình, nhiều biện pháp hiệu quả hơn để chăm sóc và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các em được học hành, vui chơi và phát huy vai trò là thế hệ măng non, người chủ tương lai của TP.

Chính vì vậy, thông điệp của TP trong năm 2011 sẽ là “Hãy làm nhiều việc tốt vì trẻ em”. “Vậy thông điệp của các em là gì” – bà Phạm Phương Thảo gợi ý. Trúc Linh – người dẫn chương trình, thay mặt 80 em tham dự buổi họp mặt tuyên bố: “Thông điệp của các em là: Thế hệ trẻ xây dựng TP trẻ và dám ước mơ, dám thực hiện”

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục