Nếu trước đây, nạn đói gắn liền với những quốc gia kém phát triển hay xuất hiện ở một giai đoạn vô cùng khó khăn của một đất nước thì giờ đây nó đã trở thành nỗi lo của nhân loại. Theo báo cáo Những rủi ro toàn cầu 2011 mà Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố, khủng hoảng lương thực là một trong 3 yếu tố khiến thế giới trở nên dễ tổn thương hơn bao giờ hết.
Nỗi lo chung
Chỉ trong tháng đầu tiên của năm 2011, hàng loạt dự báo và hình ảnh một năm chật vật về lương thực với người dân toàn cầu đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông toàn cầu. Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết họ đang thiếu đến 2,8 tỷ USD (so với nhu cầu năm 2011 là 6 tỷ USD) cho cuộc chiến chống nạn đói trên toàn cầu. Nếu giá lương thực tiếp tục tăng thì khoảng cách thiếu hụt này càng lớn. Giám đốc WFP nói: “Khi người ta lâm vào cảnh đói khát, họ có 3 lựa chọn: nổi loạn, di cư hoặc thoi thóp chờ chết”.
Tờ Morung Express của Ấn Độ ghi nhận sau vài tuần đầu tiên của năm 2011, hàng loạt quốc gia đang chao đảo vì giá lương thực. Giá lúa mì ở Anh chạm mức cao nhất từ trước đến nay. Theo Financial Times, tuần đầu năm 2011 ghi nhận giá lúa mì vượt qua 203 bảng Anh/tấn, tăng 90% so với giá cùng kỳ năm 2010, vượt xa mức giá cao nhất được ghi năm 2007 là 197,5 bảng Anh. Ở Algeria, hàng ngàn người xuống đường biểu tình do giá bột mì, đường và dầu gia tăng đột ngột. Hậu quả là 2 người thiệt mạng, 300 người bị thương.
Trong khi đó, nước Nga-vựa lúa mì lớn thứ 3 trên thế giới đang phải nhập khẩu ngũ cốc để đảm bảo lượng thức ăn cho đàn gia súc cho đến khi những cánh đồng mùa xuân nở rộ. Ấn Độ cũng đang khổ sở với mức lạm phát giá lương thực – thực phẩm đến 18%. Người dân Pakistan cũng phải chật vật với bữa ăn từng ngày. Trung Quốc – quốc gia dành phần lớn lượng bắp cho ngành chăn nuôi trong nước dù đã khẳng định nguồn cung trong nước đảm bảo nhu cầu về ngô nhưng trên thực tế, Bắc Kinh đang phải nhập khẩu lượng ngô nhiều nhất trong 15 năm qua. Chính phủ Mexico đang đặt mua ngô theo hình thức giao sau để tránh rủi ro biến động giá cả.
Ở Mozambique, hơn 4.000 dân tại miền Trung đang phải đối mặt với cảnh thiếu ăn nghiêm trọng do tình trạng hạn hán và thiếu mưa kéo dài trong suốt năm 2010 ảnh hưởng tới mùa màng gieo trồng. Chỉ số giá nông sản gồm ngũ cốc, hạt có dầu, sữa, thịt và đường đã tăng cao trong 6 tháng liên tiếp. Bạo loạn đã xảy ra ở 30 nước trên thế giới trong cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008 và nay tình trạng này lại tái diễn ở một số nước như Algeria, Mozambique, Ai Cập... Hay ở những nơi gắn liền với đói khát như Somalia, Haiti, người dân đã kiệt quệ và không còn thiết nổi loạn.
Điều bất ngờ là đến 1/8 dân số Mỹ - quốc gia có số tỷ phú thống trị các danh sách xếp hạng những người giàu nhất thế giới – đang đương đầu với nạn đói. Hồi đầu tháng 1, Tổ chức phi lợi nhuận Feeding America đã thực hiện khảo sát Hunger in America 2010 (Nạn đói ở Mỹ năm 2010) với 61.000 cá nhân và 37.000 cơ quan, tổ chức liên quan. Thống kế từ cuộc khảo sát cho thấy số người Mỹ sống nhờ vào Feeding America ngày càng tăng. Trong năm 2010, Feeding America mang đến bữa ăn cho 37 triệu người Mỹ (trong đó có 14 triệu trẻ em), tăng 46% so với con số 25 triệu người (số trẻ em là 9 triệu) trong năm 2006. Hơn 1/3 người được khảo sát cho biết, họ đang phải cân nhắc kỹ càng giữa việc chọn mua lương thực hay dành tiền cho nhu cầu cơ bản khác như thuê nhà, chi phí đi lại và chăm sóc y tế.
Sức ép từ nhiều phía
Cháy rừng ở Nga, lũ lụt ở Australia – hai vựa lúa mì lớn của cả thế giới đã tạo nên cơn sốt lương thực. Lý do được cho là từ biến đổi khí hậu nhưng như thế chưa đủ. Trong bối cảnh hiện nay, cần phải xét đến mối tương quan cung-cầu và những yếu tố tác động đến khả năng khủng hoảng lương thực lan rộng trên toàn cầu. Về phía nguồn tiêu dùng, phải kể đến những nguyên nhân: dân số tăng nhanh chóng với mức 50 triệu người/năm, ngũ cốc được dùng nhiều để sản xuất nhiên liệu ở Mỹ và châu Âu. Mỹ vừa đưa ra quy định về tỷ lệ nhiên liệu sinh học, trong đó bắp phải chiếm 15%.
Những con số biết nói - Mỗi năm, 15 triệu trẻ em trên thế giới chết vì đói. |
Cụ thể, 119 triệu tấn trong số 416 triệu tấn ngũ cốc thu hoạch đã được dùng chế biến năng lượng sạch cho ô tô ở Mỹ năm 2009. Lượng ngũ cốc này có thể cung cấp lương thực cho 350 triệu người trong một năm. Điều này đang gây áp lực lớn cho ngành sản xuất lương thực của Mỹ. Trên thế giới, nhu cầu lương thực giai đoạn 2005-2010 đạt đến 41 triệu tấn, so với 21 triệu tấn của cả giai đoạn 1990-2005. Tại châu Phi, trong 30 năm qua, sản lượng lương thực đã giảm 20% vì nhiều người chuyển sang trồng hoa và đậu xanh để cung cấp cho các thị trường châu Âu.
Theo báo cáo công bố ngày 12-1, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, lượng dự trữ ngô của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 15 năm, trong khi lượng dự trữ đậu tương cũng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 35 năm. Năm 2010, giá lúa mì đã tăng 47%, trong khi giá ngô tăng hơn 50% và đậu tương tăng 34%. Bài viết “Giá lương thực tăng kỷ lục” đăng trên Bloomberg giữa tháng 1 vừa qua đã chỉ ra: giá đường trắng ở Luân Đôn tính đến ngày 5-1-2011 đã vượt mức 752 USD/tấn, gần gấp đôi so với mức 384 USD vào cuối tháng 6-2008. Trong báo cáo công bố hồi tuần trước, Tổ chức Nông-Lương của Liên hợp quốc (FAO) cho biết giá lương thực thế giới đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 12-2010, đồng thời cảnh báo giá các mặt hàng ngũ cốc cơ bản có thể còn tăng nữa.
Bức tranh màu xám
Ông Rob Vos, Giám đốc chính sách phát triển và nhà phân tích của Vụ Các vấn đề kinh tế xã hội của Liên hiệp quốc (DESA) nhấn mạnh, giá lương thực cao đã tác động đến nhiều nước đang phát triển. Ấn Độ và nhiều nước Đông và Nam Á khác đang phải đối phó với lạm phát 2 chữ số, chủ yếu do giá lương thực và năng lượng tăng cao. Giá lương thực tăng đã buộc nhiều nước Mỹ Latinh phải giảm trợ cấp lương thực do thâm hụt tài chính tăng nhanh.
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa qua đã đưa ra nhóm 9 biện pháp để ngăn khủng hoảng lương thực, gồm: giúp người dân tiếp cận thông tin giá cả ngũ cốc để tránh tình trạng bất ổn tâm lý gây tăng giá; cải thiện hoạt động dự báo thời tiết ở các quốc gia đang phát triển để người dân chủ động hơn; tăng cường sự hiểu biết của các chuyên gia về giá cả hàng hóa quốc tế và trong nước nhằm tránh tình trạng chênh lệch giá; thành lập quỹ dự trữ nhân đạo tại khu vực dễ bị tổn thương bởi thiên tai; đưa thực phẩm hỗ trợ nhân đạo ra khỏi danh sách thực phẩm cấm xuất khẩu ở một số nước; đảm bảo hệ thống phúc lợi xã hội; phát triển nhiều chương trình quản lý rủi ro…
NHƯ QUỲNH