Nắn dòng vốn tín dụng vào sản xuất kinh doanh

Gần Tết Nguyên đán, nhu cầu vốn để tích trữ hàng hóa cũng như sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) tăng mạnh nên vốn dành cho các hoạt động này càng trở nên cấp thiết. 
Nhiều doanh nghiệp tiếp cận vốn lãi suất thấp để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Ảnh: Huy Anh
Nhiều doanh nghiệp tiếp cận vốn lãi suất thấp để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Ảnh: Huy Anh

Nắm bắt được xu hướng này, nhiều ngân hàng (NH) đưa ra các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ DN, kể cả những DN siêu nhỏ.

Cơ hội tiếp cận vốn rẻ

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM cho biết, sự tăng trưởng của ngành NH TPHCM trong năm 2017 cũng như tháng đầu năm 2018 đảm bảo phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của TP; trong đó, có đến 80% tín dụng đi vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Cùng với việc hỗ trợ nguồn lực cho các chương trình phát triển trọng tâm của TP; đặc biệt, hệ thống NH thương mại đã tham gia tích cực hoạt động kết nối DN, đưa dòng vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, nhiều NH thương mại có cơ chế chính sách ký kết và giải ngân hiệu quả; đồng thời ưu tiên trợ vốn cho DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ, DN khởi nghiệp...

Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều NH thương mại đã chủ động tháo gỡ vướng mắc cho DN bằng những giải pháp thông qua chương trình cho vay thế để phục vụ mùa kinh doanh dịp tết. Không ít NH thiết kế riêng các gói tín dụng cho DN siêu nhỏ (SSE) theo yêu cầu và đa dạng mục đích sử dụng, tạo điều kiện tối đa cho DN tiếp cận vốn. Bởi lẽ, các DN SSE thường mới thành lập, doanh thu ít, không có tài sản thế chấp nên rất khó tiếp cận nguồn vốn NH.

Điển hình tại Maritime Bank, mỗi DN sẽ có một hạn mức tín dụng riêng. Đối với DN kinh doanh thương mại, Maritime Bank có chương trình ưu đãi cho vay kinh doanh hàng tết với lãi suất chỉ từ 8%, hạn mức tín dụng lên đến 96% giá trị tài sản bảo đảm và không vượt quá 70% doanh thu của năm liền trước; duyệt nhanh chỉ trong 3 ngày làm việc, thời gian vay tối đa 6 tháng, lãi suất cạnh tranh được thiết kế riêng cho từng DN. Ngoài ra, NH này cũng rút ngắn quy trình thẩm định hồ sơ thủ tục theo tiêu chí nhanh gọn, đơn giản, đa dạng, linh hoạt mục đích sử dụng vốn.

“Giải pháp cấp hạn mức tín dụng dựa trên tài sản bảo đảm dành cho SSE mà Maritime Bank triển khai, được xem là nỗ lực nhằm mang đến cơ hội tài chính, cơ hội phát triển cho những DN siêu nhỏ”, lãnh đạo Maritime Bank cho hay.

Để tạo cơ hội cho DN tiếp cận vốn phục vụ mùa tết, VietCapital Bank cũng có chương trình cho các chủ DN nhỏ và SSE có thể vay đến 200% giá trị tài sản bảo đảm.

Cụ thể, khối DN này có nhu cầu vay vốn ngắn hạn phục vụ hoạt động kinh doanh, thanh toán chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công, điện, nước… sẽ được vay ưu đãi với tỷ lệ 80% - 200% trên giá trị tài sản bảo đảm, lãi suất giảm đến 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. Đặc biệt, những DN có hoạt động kinh doanh ổn định đang tìm nguồn vốn không tài sản bảo đảm, sẽ được hỗ trợ mức lãi suất ưu đãi từ 1%/tháng với thời hạn vay tối đa 1 năm.

Tương tự, Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng đang triển khai các gói vay ưu đãi lãi suất với tổng số vốn lên đến 15.000 tỷ đồng dành cho DN có nhu cầu về vốn vào dịp tết. Với gói này, ACB dành 10.000 tỷ đồng cho DN vừa và nhỏ vay với lãi suất thấp nhất 6,8%/năm. Lãnh đạo ACB cho biết, mục tiêu của gói vay ưu đãi này nhằm cung cấp nguồn vốn rẻ để DN giảm chi phí sản xuất kinh doanh, góp phần bình ổn giá cả hàng hóa thị trường tết.

Ưu tiên vốn sản xuất kinh doanh

Trong năm 2018, NHNN đưa ra định hướng tăng trưởng tín dụng ở mức  17%; đồng thời, lưu ý các tổ chức tín dụng quan tâm tới chất lượng tín dụng, chắt chiu từng đồng vốn đưa vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 6,7% phải được đặt lên hàng đầu.

Mới đây, NHNN cũng vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh NH nước ngoài chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh. Các NH thương mại cho biết, trong bối cảnh nợ xấu vẫn có nguy cơ tăng nên các NH đều có kế hoạch chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh; đặc biệt, đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu vốn đối với các lĩnh vực ưu tiên gồm: nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao.

Ngoài ra, để có thể nắn dòng vốn vào sản xuất kinh doanh, sau đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành NH vào giữa tháng 1-2018, đến nay, nhiều NH đã công bố giảm lãi suất cho vay 0,5%, thậm chí có nơi cho biết sẽ cắt giảm 1%.

Cụ thể, Vietcombank đã giảm lãi suất cho vay đến hết ngày 31-12-2018 đối với các DN thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên với lãi suất cho vay ngắn hạn được điều chỉnh giảm 0,5%, về mức tối đa 6%/năm. Các khoản cho vay hiện hữu, cũng như các khoản giải ngân mới từ nay đến hết năm 2018 đều được giảm về mức 6%/năm.

VietinBank cũng công bố giảm lãi suất đến hết năm 2018 và áp dụng mức lãi suất chỉ từ 5%/năm dành cho các DN nhỏ, VPBank hỗ trợ giảm lãi suất 0,5% - 1% cho các DN vừa và nhỏ hoạt động tốt trong các lĩnh vực ưu tiên…

 Các chuyên gia trong ngành NH nhận định, động thái giảm lãi suất này sẽ giúp DN giảm chi phí tài chính; từ đó, tín dụng NH mới có thể phát huy vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, tạo động lực tăng trưởng.

Tin cùng chuyên mục