Mỗi năm tại TPHCM, ước tính có khoảng trên 3.000 bộ đội xuất ngũ trở về địa phương. Thế nhưng trong số này, tỷ lệ người có việc làm ổn định lại chưa nhiều.
Hiện nay, các trường dạy nghề thường xuyên tuyển sinh đào tạo các ngành sửa chữa ô tô, điện công nghiệp, tiện kim loại, dược tá, cơ khí... Tuy nhiên, tại nhiều trường nghề, việc đào tạo vẫn còn chưa phù hợp, nhiều nghề có nhu cầu cao lại không được đưa vào danh sách ngành nghề được đào tạo hoặc không được miễn phí 100%. Đa phần bộ đội thường chọn nghề lái xe hoặc sửa chữa ô tô, những nghề này phù hợp và dễ tìm việc làm. Mà những nghề này học viên không được hỗ trợ hoặc chỉ được hỗ trợ một phần học phí.
Nhiều thanh niên sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự trở về bộc bạch, khi tại ngũ, được biết lúc xuất ngũ sẽ được đào tạo nghề miễn phí và giải quyết việc làm theo chủ trương của Bộ Quốc phòng nên nhiều người quyết định sẽ đi học tiếp bởi nếu được đào tạo bài bản sẽ tìm được một công việc thích hợp, tăng thêm thu nhập. Nhưng điều bộ đội xuất ngũ quan tâm nhất là vấn đề việc làm sau khi học xong. Thêm vào đó còn khoản tiền sinh hoạt phí. Nhiều bộ đội xuất ngũ có gia đình khó khăn lấy đâu ra tiền để sống trong suốt 24 tháng học nghề?
Thế nhưng, có một thực tế khác khi chính bộ đội xuất ngũ lại chưa mặn mà với chương trình hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí và giải quyết việc làm theo chế độ ưu đãi của Bộ Quốc phòng. Chính vì thế, dù nhiều trường dạy nghề có khả năng tiếp nhận và đào tạo nhiều hơn nữa nhưng do đầu vào còn quá ít nên các trường vẫn chưa sử dụng hết công suất đào tạo cho đối tượng được ưu tiên này.
Vì vậy để “giữ chân” học viên, ngoài việc tư vấn, định hướng và mở các lớp đào tạo nghề, các trường nghề còn giới thiệu việc làm tạm thời nhằm tạo điều kiện cho bộ đội xuất ngũ kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Một số bộ đội xuất ngũ đang theo học được các trường giới thiệu làm thêm các nghề như phục vụ quán ăn, làm bảo vệ, vệ sĩ bán thời gian ở các công ty…
Hàng năm, TPHCM có hai đợt xuất ngũ và trước khi thực hiện lễ tiễn quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, các trường nghề, đặc biệt là các trường thuộc quân đội thường tổ chức tư vấn về học nghề ở tất cả đơn vị để anh em nắm được thông tin.
Sau gần hai năm phục vụ trong quân ngũ, nếu được trang bị một nghề thì khi trở về địa phương, bộ đội xuất ngũ sẽ không rơi vào cảnh thất nghiệp. Thế nhưng, thực tế, chính các bộ đội xuất ngũ lại chưa mặn mà với chương trình hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí. Phải chăng khoảng cách giữa chính sách ưu đãi và nhu cầu thực của bộ đội xuất ngũ còn quá xa vời?
THANH AN