Theo dõi thông tin trên các phương tiện truyền thông mấy ngày nay, không ai khỏi ám ảnh và lo lắng khi nghĩ đến một ngày nào đó, người thân hay chính mình là nạn nhân của vụ xả súng từ một kẻ mê vũ khí nhưng trục trặc về tinh thần! Người dân sống trong nước Mỹ tự do nhưng cũng đầy bất an.
Chiều 16-12, Tổng thống Obama tiếp tục xoa dịu dư luận bằng bài phát biểu tưởng niệm các nạn nhân tại thị trấn Newtown. Ông thừa nhận chính quyền đã thất bại trong việc bảo vệ các em nhỏ và những người vô tội. Ông Obama nhấn mạnh: “Những thảm kịch như vậy phải chấm dứt”. Trên các diễn đàn, trên đường phố, mọi người bức xúc bày tỏ quan điểm. Một số cho rằng phải thay đổi Tu chính án thứ hai, loại bỏ hẳn việc cá nhân sở hữu súng: Một số bảo vệ quyền này và cho rằng súng không giết người và việc cấm sở hữu súng sẽ đi ngược với tinh thần dân chủ ở Mỹ.
Quả thật, câu chuyện chấm dứt thảm kịch ấy và chấm dứt việc sở hữu súng đã trở thành khoảng cách rất lớn. Nhiều người chỉ trích ông Obama không đả động gì đến việc siết chặt quản lý cá nhân sở hữu súng trong cuộc tranh cử vừa qua. Thế nhưng, đây không phải trách nhiệm của riêng chính quyền Washington.
Năm 1995, ở Mỹ có 200 triệu khẩu súng được đăng ký sở hữu cá nhân. Đến nay, con số này đã tăng lên 300 triệu, tương ứng với dân số hiện nay ở nước này 314 triệu người (tăng 20% so với thời điểm năm 1995). Nghiên cứu của chuyên gia sức khỏe cộng đồng David Hemenway tại Đại học Harvard đã cho thấy trẻ từ 5 - 14 tuổi ở Mỹ có nguy cơ chết vì súng đạn cao gấp 13 lần trẻ ở các nước phát triển khác.
Có lẽ ít ai biết được Newtown là “quê hương” của Quỹ môn bắn súng quốc gia (NSSF) vốn được thành lập từ năm 1961. NSSF có mối liên hệ mật thiết với hơn 7.000 nhà sản xuất, phân phối, bán lẻ súng đạn. Chính bà Nancy Lanza, mẹ và cũng là nạn nhân của hung thủ trong vụ xả súng vừa qua có hẳn một bộ sưu tập… súng!
Từ lâu, nhiều bậc phụ huynh xem súng như một món đồ bình thường phải có trong nhà. Jack, cậu bạn học của tôi kể, sinh nhật lần thứ 12 của cậu, bố đã tặng Jack khẩu súng trường. Cha, mẹ đã vô tình hướng các bé trai đến suy nghĩ khẩu súng cũng là công cụ giải trí, mang lại niềm vui, khẳng định sự mạnh mẽ của người đàn ông tương lai.
Tình hình Iraq bất ổn, người Mỹ can thiệp dưới danh nghĩa cứu người Iraq, tương tự như ở Libya. Thế nhưng, ai sẽ cứu người Mỹ trong một xã hội mà số súng cá nhân gần bằng dân số và phim ảnh bạo lực tràn lan. Nhiều ý kiến cho rằng Mỹ có thể học kinh nghiệm của Australia. Sau vụ xả súng năm 1996, giết chết 35 người, Thủ tướng Australia khi ấy lập tức ban hành lệnh cấm cá nhân sở hữu một số vũ khí, mở chương trình mua lại 650.000 khẩu súng.
Hay ở Canada, muốn sở hữu súng phải chờ 28 ngày kể từ khi đăng ký và phải được hai người bảo đảm việc mua súng của mình. Trong khi đó, ở Mỹ hiện nay, sở hữu súng còn dễ hơn đăng ký sở hữu thú cưng.
Vấn đề ở chỗ ai cũng biết thế nhưng làm thế nào để hạn chế sở hữu súng dường như là nhiệm vụ bất khả thi. Vì từ góc độ nào đó có thể nói các nhà sản xuất vũ khí sẽ bị thất thu nếu chính quyền cấm sở hữu súng. Một khi lợi nhuận của các tập đoàn bị giảm họ sẽ vận động hành lang để thay đổi luật.
Minh Bảo