Nâng cao chất lượng công tác xét xử tránh oan sai

TPHCM là địa phương có số lượng án phải thụ lý giải quyết chiếm 1/7 số lượng án trong toàn quốc. Thời gian qua, ngành tòa án nhân dân (TAND) TPHCM luôn nỗ lực từng bước nâng cao chất lượng xét xử, tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp. Dù vậy, công tác xét xử vẫn còn một số vướng mắc, tồn tại. Đồng thời, ngành TAND TPHCM cũng cần những bước chuẩn bị để giải quyết tốt các loại vụ án mới xuất hiện trong quá trình hội nhập quốc tế. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với bà Ung Thị Xuân Hương (ảnh), Chánh án TAND TPHCM về những vấn đề này.
Nâng cao chất lượng công tác xét xử tránh oan sai
Nâng cao chất lượng công tác xét xử tránh oan sai ảnh 1

TPHCM là địa phương có số lượng án phải thụ lý giải quyết chiếm 1/7 số lượng án trong toàn quốc. Thời gian qua, ngành tòa án nhân dân (TAND) TPHCM luôn nỗ lực từng bước nâng cao chất lượng xét xử, tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp. Dù vậy, công tác xét xử vẫn còn một số vướng mắc, tồn tại. Đồng thời, ngành TAND TPHCM cũng cần những bước chuẩn bị để giải quyết tốt các loại vụ án mới xuất hiện trong quá trình hội nhập quốc tế. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với bà Ung Thị Xuân Hương (ảnh), Chánh án TAND TPHCM về những vấn đề này.

* Phóng viên: Một trong những tồn tại của TAND hai cấp TPHCM trong năm 2015 là tình trạng án quá hạn, án tạm đình chỉ lâu năm vẫn chưa được khắc phục triệt để. Vậy trong năm 2016, ngành TAND TPHCM làm thế nào để giải quyết được tồn tại này, thưa bà?

* Bà UNG THỊ XUÂN HƯƠNG: Năm 2015, Ban lãnh đạo TAND TPHCM đã đề ra những giải pháp cụ thể, thực hiện nghiêm túc và kết quả có sự chuyển biến tích cực trong việc giải quyết tồn đọng, án tạm đình chỉ. Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, năm 2016, TAND TPHCM triển khai nhiều giải pháp như: Tăng cường công tác kiểm tra các loại án tạm đình chỉ; chủ động phối hợp hiệu quả với các cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm tháo gỡ các lý do tạm đình chỉ; tăng cường trao đổi nghiệp vụ giữa TAND TP với TAND quận, huyện và với TAND tối cao để tháo gỡ khó khăn trong quá trình giải quyết các vụ án; tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành để kiểm soát chặt chẽ tiến độ giải quyết các vụ án...

* Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán vẫn còn xảy ra. Xin bà cho biết nguyên nhân? Ngành TAND TPHCM khắc phục tình trạng này như thế nào?

* Bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những nguyên nhân chủ quan cần phải được khắc phục như: Một số thẩm phán và hội đồng xét xử chưa đầu tư nghiên cứu hồ sơ kỹ lưỡng; công tác thu thập, đánh giá chứng cứ còn sơ sài; chưa chủ động trong công tác phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan...

Một số giải pháp để khắc phục: Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm trong công tác cho cán bộ, công chức; thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm đối với những thẩm phán, đơn vị có án hủy, sửa do lỗi chủ quan...

* Tại hội nghị triển khai công tác năm 2016 vừa qua, Chánh án TAND tối cao yêu cầu trong năm 2016 không để xảy ra việc kết án oan hoặc bỏ lọt tội phạm. Ngành TAND TP sẽ làm như thế nào để thực hiện chỉ đạo này, thưa bà?

* TAND TPHCM đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Đẩy mạnh việc kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là đội ngũ thẩm phán, đảm bảo về phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, trình độ năng lực chuyên môn, đáp ứng cho nhu cầu nhiệm vụ chính trị. Bên cạnh đó là nâng cao hiệu quả và chất lượng trong công tác xét xử, chú trọng đẩy mạnh chất lượng tranh tụng tại phiên tòa; tập trung thực hiện đúng các quy định của pháp luật về công tác trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung...

Nâng cao hiệu quả công tác xét xử là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TAND hai cấp TPHCM (ảnh mang tính minh họa)

* Xin bà cho biết cụ thể hơn về nâng cao chất lượng công tác xét xử, đẩy mạnh chất lượng tranh tụng tại phiên tòa?

* TAND hai cấp tại TPHCM đã đưa ra nhiều giải pháp và thực hiện quyết liệt. Cụ thể như: Đổi mới thủ tục tranh tụng tại tòa theo hướng thực chất, đảm bảo dân chủ, công khai, đúng quy định pháp luật; đổi mới thủ tục hành chính tư pháp trong hoạt động của TAND các cấp, nhằm công khai, minh bạch các hoạt động của TAND, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi có công việc liên quan đến tòa án và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động… Trong giải quyết án dân sự, TAND các cấp chú trọng công tác hòa giải, hướng cho các đương sự tự thỏa thuận. Trong giải quyết án hành chính đã chú trọng làm tốt công tác đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện, tăng cường việc giải thích pháp luật, phân tích các chủ trương, chính sách liên quan nhằm tạo điều kiện cho hai bên tự thống nhất hướng giải quyết vụ án… Từ đó, hoạt động xét xử đã bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân, đóng góp cho sự phát triển của thành phố và cả nước.

* Việt Nam chuẩn bị bước vào giai đoạn hội nhập sâu, dự báo trong thời gian tới, các hành vi phạm pháp hình sự và tội phạm xuyên quốc gia, các tranh chấp dân sự, sở hữu trí tuệ, kinh doanh thương mại quốc tế trên địa bàn cả nước nói chung và TPHCM nói riêng sẽ có chiều hướng gia tăng nhanh. Ngành TAND TPHCM chuẩn bị như thế nào để có thể giải quyết, xét xử tốt các loại án này, thưa bà?

* Đây là vấn đề mà chúng tôi rất quan tâm. Trong những năm gần đây, TAND TPHCM đã cử một số thẩm phán, thư ký tham gia các lớp đào tạo tiếng Anh, thạc sĩ luật theo Chương trình 300 và Chương trình 500 thạc sĩ, tiến sĩ của Thành ủy TPHCM.

Để không bị động, trong kế hoạch công tác năm 2016, TAND TPHCM sẽ chủ động báo cáo Thường trực Thành ủy TPHCM và TAND tối cao xin chủ trương được hỗ trợ để mở lớp đào tạo tiếng Anh chuyên ngành pháp lý cho thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký cho TAND hai cấp TPHCM; đồng thời khuyến khích công chức tự nghiên cứu, học tập để nâng cao kiến thức về hội nhập quốc tế.

Từ ngày 7-3-2016, TAND TPHCM mở đường dây điện thoại trực tiếp nhận thông tin, phản ánh (trong giờ hành chính từ thứ hai đến thứ sáu) từ các tổ chức, công dân về hoạt động của TAND hai cấp TPHCM, qua số điện thoại (08) 35218315. Đây cũng là một trong những hoạt động nhằm đẩy mạnh cải cách tư pháp phục vụ người dân và xã hội của ngành tòa án.

ÁI CHÂN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục