Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe

Hôm qua 21-3, tại TPHCM, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) phối hợp với Sở GTVT TPHCM tổ chức hội nghị triển khai công tác đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trong quản lý vận tải, đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX). Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe, chương trình đào tạo cần phải bám sát tình hình thực tiễn để người học dễ dàng tiếp cận và vận hành các kiến thức được học một cách có hiệu quả khi tham gia giao thông trên đường, nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) và ùn tắc giao thông (UTGT).

(SGGP).- Hôm qua 21-3, tại TPHCM, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) phối hợp với Sở GTVT TPHCM tổ chức hội nghị triển khai công tác đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trong quản lý vận tải, đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX). Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe, chương trình đào tạo cần phải bám sát tình hình thực tiễn để người học dễ dàng tiếp cận và vận hành các kiến thức được học một cách có hiệu quả khi tham gia giao thông trên đường, nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) và ùn tắc giao thông (UTGT).

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong những năm qua nội dung, chương trình đào tạo chưa được bổ sung, thay đổi kịp thời để đáp ứng yêu cầu nâng cao trình độ chuyên môn, ý thức đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử và kỹ năng xử lý các tình huống trên đường của đội ngũ lái xe khi tham gia giao thông. Trong công tác sát hạch, phần sát hạch lái xe trên đường vẫn theo hình thức truyền thống. GPLX còn lạc hậu, dễ bị tẩy sửa hoặc làm giả; chưa hình thành cơ sở dữ liệu GPLX thống nhất toàn quốc. Do đó, để tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm đảm bảo trật tự ATGT và hưởng ứng Năm ATGT 2012, việc nghiên cứu để đưa ra đề án nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe góp phần giảm thiểu TNGT và UTGT là hết sức cần thiết.

Đề cập đến đề án này, ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho rằng: trong những nội dung của đề án đưa ra, chương trình đào tạo không nên tăng số câu hỏi. Vì trong thực tế, có những câu hỏi khi trộn lại làm đề thi gần như chỉ để đánh đố người học chứ không mang tính thực tiễn. Do đó, trong chương trình đào tạo sát hạch lái xe phần lý thuyết cần tập trung vào vấn đề đào tạo Luật Giao thông đường bộ cho người học như: hệ thống đèn tín hiệu, biển báo, phân làn, tốc độ giãn cách… cũng như chú trọng tăng cường phần thực hành để người học vận hành phương tiện thông thạo khi lưu thông trên đường. Còn ông Trần Văn Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai kiến nghị: Để đảm bảo ATGT cho người điều khiển phương tiện khi lưu thông trên đường, trong chương trình đào tạo sát hạch, cấp GPLX nên tập trung việc dạy thực hành lái xe cho học viên, thay vì nặng về lý thuyết, kỹ thuật chuyên môn.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, trong thời gian tới sẽ điều chỉnh cách tính lưu lượng đào tạo lái xe ô tô phù hợp thực tế, đảm bảo chất lượng. Điều chỉnh tăng số km học thực hành lái xe trên đường và số giờ học thực hành lái xe phù hợp với số km thực hành lái. Bổ sung quy định thời gian, số km thực hành lái xe trên xe tập lái hạng B1, B2 sử dụng hộp số tự động. Xây dựng phần mềm sát hạch lý thuyết mới phù hợp với bộ câu hỏi để sát hạch và có thể công khai kết quả sát hạch của từng thí sinh trên màn hình tại phòng chờ sát hạch để người dân theo dõi, giám sát. Lắp đặt bổ sung màn hình theo dõi tại phòng chờ sát hạch để tăng cường tính công khai, minh bạch trong quá trình sát hạch lý thuyết…

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, Tổng cục Đường bộ sẽ nghiên cứu giảm tải những chương trình không cần thiết trong việc đào tạo, sát hạch GPLX. Ngoài ra, chú trọng đến vấn đề tăng thời gian dạy thực hành cho học viên, kết hợp hài hòa việc đào tạo lái xe số tự động và xe số sàn để học viên dễ dàng ứng dụng vào thực tiễn…

Đ.Lý

Tin cùng chuyên mục