Nâng cao chất lượng muối Cần Giờ

Như Báo SGGP ngày 3-9 có bài viết Muối Cần Giờ lại được mùa mất giá và TPHCM có chính sách hỗ trợ diêm dân cũng như phối hợp với các doanh nghiệp (DN) tham gia tiêu thụ. Nhưng điều quan trọng là không để lặp lại tình trạng như năm ngoái khi không ít số tiền hỗ trợ thu mua muối lại vào tay các chủ ghe vận chuyển, thay vì người làm ra hạt muối.
Nâng cao chất lượng muối Cần Giờ

Như Báo SGGP ngày 3-9 có bài viết Muối Cần Giờ lại được mùa mất giá và TPHCM có chính sách hỗ trợ diêm dân cũng như phối hợp với các doanh nghiệp (DN) tham gia tiêu thụ. Nhưng điều quan trọng là không để lặp lại tình trạng như năm ngoái khi không ít số tiền hỗ trợ thu mua muối lại vào tay các chủ ghe vận chuyển, thay vì người làm ra hạt muối.

Nhiều doanh nghiệp tham gia tiêu thụ

Dù chỉ có huyện biển Cần Giờ sản xuất muối nhưng với 1.671ha muối năm nay với sản lượng hơn 140.400 tấn, TPHCM là một trong những địa phương ven biển có sản lượng muối lớn cả nước. Hai năm nay giá muối đều thấp hơn giá thành sản xuất, gây khó khăn cho việc tiêu thụ và ảnh hưởng đến đời sống bà con làm muối. Giá muối tại ruộng ở Cần Giờ có lúc chỉ còn 350 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất 1kg muối trải bạt là 583 đồng và muối nền đất 689 đồng. Sau khi có chủ trương mua tạm trữ của Thủ tướng Chính phủ (TTCP) vào giao Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1) thực hiện, giá muối nhích lên 450 - 500 đồng/kg. Tuy nhiên, do chỉ mua tạm trữ theo giá thị trường nên từ giữa tháng 7, các đơn vị trực thuộc Vinafood1 rất khó mua được muối, chỉ những người dân Cần Giờ không có kho chứa mới chấp nhận bán lỗ. Từ đầu tháng 8, lãnh đạo TPHCM có chính sách hỗ trợ 60% lãi vay ngân hàng đối với DN tiêu thụ muối Cần Giờ. Riêng với người dân sản xuất muối, TP công bố giá mua theo công thức, giá muối = giá sàn + 30% lợi nhuận + chi phí vận chuyển từ nhà dân đến kho DN.

Sản xuất muối tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ Ảnh: CTV

Có thể nói, với chính sách này đã thu hút nhiều DN tham gia vào việc tiêu thụ muối huyện Cần Giờ. Nếu như năm 2015 chỉ có Công ty CP Tập đoàn Muối miền Nam là đơn vị chủ lực mua muối thì hiện nay con số đăng ký tham gia là 9 DN, có cả DN ở tận Kiên Giang. Trong đó, chủ lực vẫn là Công ty CP Tập đoàn Muối miền Nam đăng ký mua 40.000 tấn, Công ty TNHH MTV Muối Việt Nam (thuộc Vinafood1) 20.000 tấn, Công ty TNHH MTV DVTM Thái Phát Đạt (8.000 tấn), DNTN Kiên Sơn (7.000 tấn), Công ty TNHH SXTM Thiên Phú Lộc và Công ty TNHH Phát triển muối Cần Giờ và DNTN muối Thành Phát (5.000 tấn/DN), Cơ sở muối Phú Định (2.000 tấn), Công ty muối Tân Thành (khoảng 2.000 tấn).

Ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, cho biết: “Những người đã bán muối cho các công ty thành viên của Vinafood1 trước khi TP ban hành chính sách vẫn được hưởng theo chủ trương này của TP”. Về phương thức tổ chức thu mua, tránh xảy ra tình trạng người dân vất vả làm ra hạt muối lại không nhận được sự hỗ trợ từ chính sách của TP mà lại rơi vào một số đầu nậu, gom mua trước đó của dân nghèo. Chuyện này, theo huyện Cần Giờ, huyện đã họp và triển khai rất chặt chẽ nhằm không để xảy ra chuyện tương tự. Theo đó, năm rồi, khi triển khai việc mua tạm trữ, nhiều nông dân bán ngay tại ruộng trước đó. Có những hộ nhận phiếu đăng ký lượng muối bán cho DN nhưng sản lượng trong kho thấp hơn số đăng ký. Biết điều này, các chủ ghe vận chuyển mua lại phiếu này. Do vậy, dù tiền hỗ trợ được trao đến tay người sản xuất, nhưng phải giao lại chủ ghe hay đầu nậu và chỉ nhận một ít tiền “cà phê”. Một tình trạng khác, chủ ghe tìm cách mua “mão” (chỉ ước tính khoảng bao nhiêu tấn thay vì phải cân để có con số cụ thể), cách này người dân làm ra hạt muối phải chịu phần thua thiệt.

Khó hoàn thành trước ngày 1-10

Ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết việc tiêu thụ muối theo chính sách của TP kéo dài 2 tháng, từ 1-8 đến 1-10, nhưng thời gian chuẩn bị như thông tin cho người làm muối về kế hoạch thu mua của các DN, thống kê số lượng hộ cần bán, thông tin đến DN danh sách hộ dân có nhu cầu, kết nối giữa các đơn vị thu mua với DN đầu mối của huyện và các xã, làm việc với chủ phương tiện để điều phối quá trình vận chuyển muối... kéo dài. Vì vậy, việc triển khai chỉ còn 1 tháng, trong khi năng lực vận chuyển các phương tiện hiện có tại huyện khoảng 1.700 tấn/ngày. Với khoảng 97.000 tấn muối, về lý thuyết cần khoảng 2 tháng nhưng thực tế phải còn phụ thuộc vào khả năng tiếp nhận tại các kho của DN. Nếu theo quy định đến hết ngày 1-10 là khó có thể hoàn thành việc mua và vận chuyển đến kho DN.

Không dừng lại ở việc tiêu thụ muối năm nay, ông Nguyễn Trọng Liêm, Chi cục Phát triển nông thôn TP cho rằng, từ năm 2017 sẽ kết nối khoảng 10 DN tiêu thụ và các DN nhập khẩu muối biết về chủ trương xuyên suốt đến năm 2020 của TP trong việc hỗ trợ lãi vay theo Quyết định 04 những DN tham gia tiêu thụ muối Cần Giờ thông qua việc ký hợp đồng tiêu thụ, tạo vùng nguyên liệu ổn định. Ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM cho rằng, 9 DN nhanh chóng thông báo kế hoạch thu mua gồm sản lượng và đơn giá cũng như khả năng, năng lực nhập kho hàng ngày để bà con tính toán, giảm bớt áp lực neo đậu chờ bốc hàng. Cần tính toán sao cho việc mua với giá tốt nhất cho người dân. Không buộc hộ dân đến DN nào, họ có quyền bán DN nào mua với giá cao nhất theo cơ chế thị trường. Trên cơ sở kế hoạch từng DN, huyện có phương án tổng thể chỉ đạo các xã thông báo rộng rãi, công khai, trong thời gian nhanh nhất để bà con biết. Đề nghị TP gia hạn thời gian để mua hết số lượng muối trong dân thay vì chỉ đến ngày 1-10-2016.

Về lâu dài, Cần Giờ có phương án quản lý sản xuất từng hộ dân, tính sản lượng bình quân. Qua đó, chủ động kêu gọi DN chế biến gắn với vùng sản phẩm muối Cần Giờ theo yêu cầu về chất lượng. Ngoài ra, cần giảm diện tích muối, chuyển qua các loại cây con khác có giá trị hơn. Dù Bộ NN-PTNT quy hoạch Cần Giờ 1.300ha, TPHCM rút xuống còn 1.000ha nhưng thực tế vẫn còn gần 1.700ha. Nếu đến năm 2020 giảm còn 1.000ha là thành công, để tập trung hình thành cánh đồng lớn, đưa cơ giới hóa vào để nâng cao năng suất, sản lượng, giúp giá thành giảm.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục