Ngày 13-3, trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, diễn ra hội thảo phát triển cà phê Buôn Ma Thuột bền vững do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với tỉnh Đắc Lắc và Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) đồng tổ chức với sự tham gia của tổ chức Hiệp hội Cà phê thế giới (ICO), đại diện Chính phủ Brazil, các nhà khoa học hàng đầu trong và ngoài nước.
Cần có chính sách phù hợp
Nhiều năm qua, Việt Nam là nước sản xuất cà phê Robusta số 1 thế giới và đứng thứ 2 thế giới về tổng kim ngạch xuất khẩu. Theo số liệu của ICO, cà phê Việt Nam chiếm khoảng 15% thị phần cà phê thế giới. Riêng Đắc Lắc với diện tích khoảng 150.000 ha, mỗi năm sản xuất khoảng 400.000 tấn cà phê nhân, đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 600 triệu USD (2010).
Nhưng theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch VICOFA, thách thức lớn của ngành cà phê Việt Nam là cà phê Robusta chiếm đến 40% tổng lượng cà phê thế giới so với 20%-30% trước đây. Cà phê Robusta Việt Nam tăng về lượng nhưng so với giá cà phê Arabica thì chênh lệch từ 1,7 - 1,9 lần trước đó lên 2,5 lần (2.500 USD/tấn so hơn 6.000 USD/tấn) hiện nay.
Phần tăng lên của cà phê Việt Nam không tương xứng với tiêu dùng thế giới. Việt Nam chiếm 15% cà phê toàn cầu nhưng giá lại bị dẫn dắt bởi 2 sàn ở New York (Mỹ) và London (Anh). Do vậy, việc hình thành sàn giao dịch cà phê ở Việt Nam kết nối với các sàn giao dịch trên góp phần dẫn dắt giá cà phê Việt Nam khi xuất khẩu.
Tuy nhiên, thương mại cà phê nhân chỉ khoảng 5 tỷ USD/năm, cao nhất là 16 tỷ USD/năm, trong khi thươnng mại cà phê chế biến lên đến cả trăm tỷ USD/năm. Ngay cả thời kinh tế khó khăn, giá cà phê nhân xuất khẩu giảm xuống, nhưng cà phê chế biến, cà phê hòa tan lại không giảm. Như vậy cần đẩy mạnh khâu chế biến, giảm lượng xuất khẩu khẩu cà phê nhân. Bởi cho đến nay, người nông dân mới chỉ nhận 20% giá trị thực của hạt cà phê.
Một chuyên gia nước ngoài phát biểu, vấn đề là chuyển từ xuất khẩu dạng xá sang xuất khẩu thị trường ngách tại những quán cà phê thông qua hệ thống chuỗi bán lẻ để giá trị tăng gấp nhiều lần so với 2 tỷ USD của Việt Nam hiện nay.
Tiến sĩ Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới cho rằng, đến nay vẫn chưa thấy giải pháp đủ để phát triển cà phê bền vững cũng như nâng cao thu nhập của người trồng cà phê.
Ông Võ Đại Lược đặt vấn đề, nên chăng đề xuất xây dựng đặc khu về phát triển cà phê quốc gia (ở tỉnh Đắc Lắc, thủ phủ cà phê Việt Nam) và có chính sách cụ thể để phát triển cà phê. Với chính sách hiện nay, không thể phát triển cà phê bền vững, trong khi chưa có sự hài hòa quyền lợi giữa người sản xuất, chế biến và kinh doanh.
Đẩy mạnh tiêu dùng nội địa
“Giá cà phê thế giới sẽ đứng ở mức cao trong vài năm tới”. Đó là phát biểu của ông José Scette, Giám đốc điều hành ICO tại hội nghị. Điều quan trọng là những nước trồng cà phê cần học tập kinh nghiệm, không để lặp lại những bài học quá khứ về việc phát triển “nóng”, đưa diện tích cà phê tăng mạnh, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Cần hướng tới việc phát triển cà phê bền vững, đảm bảo vấn đề môi trường, an sinh xã hội và thu nhập của người trông cà phê.
Điều quan trọng khác, cần chú ý đến việc nâng tỷ lệ tiêu dùng cà phê nội địa lên cao, đây là nền tảng quan trọng trong việc đảm bảo giá trị cà phê, đặc biệt là khi giá cà phê thị trường thế giới chao đảo, giảm mạnh.
Theo ông José Scette, Brazil đang làm rất tốt việc đẩy mạnh tiêu dùng cà phê nội địa, trong khi Việt Nam lại có tỷ lệ rất thấp giữa tỷ lệ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Đồng quan điểm này, Giáo sư Tom Cannon, người đang thực hiện cuốn sách “Cảm hứng cà phê” cho rằng, Việt Nam có nhiều cơ hội để nâng tiêu thụ nội địa lên cao, ít ra là 20% so với hiện nay (khoảng 5%), do tỷ lệ dân số trẻ của Việt Nam ở mức cao.
Tuy nhiên, quan trọng là sự cam kết quốc gia phải thật và sâu về việc này, bởi mối nguy là nhiều nơi chỉ lo sản xuất mà không lo việc tiêu thụ cà phê. Trách nhiệm là đẩy mạnh lượng tiêu thụ cà phê nội địa, bởi khi giá cà phê chao đảo, chính thị trường nội địa là khu vực hạn chế thiệt hại cho thị trường xuất khẩu.
Theo Giáo sư Peter Timmer, chỉ số tiêu thụ cà phê quốc nội là chỉ số tinh thần khởi nghiệp của một quốc gia, làm cho người trồng cà phê thấy được lợi ích thông qua nâng cao thu nhập.
Đại diện Chính phủ Brazil cho rằng, Brazil cũng đã từng đối mặt với việc không kiểm soát giá cả, nhưng từ năm 1986 Brazil lập quỹ bảo vệ giá cà phê, để khi giá thấp cũng đảm bảo người nông dân có được những lợi ích nhất định.
Mục đích của quỹ là cho nông dân vay bằng chính sách ưu đãi, đầu tư vào trang trại, không bán tống bán tháo mà tích trữ cà phê khi giá xuống. Một nguyên lý nữa, để đảm bảo tiêu thụ tronng nước bền vững, ổn định cần tạo sự cạnh tranh để bình ổn giá nội địa.
* Công ty Cà phê Trung Nguyên tổ chức diễn đàn phát triển cà phê toàn cầu với sự tham gia của nhiều quốc gia trên thế giới với các chủ đề: Nhu cầu kết nối và xây dựng cà phê toàn cầu, thiết kế những hình mẫu phát triển cộng đồng cà phê bền vững, xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam góp phần thể hiện tinh thần đa sắc sáng tạo… Trong đó, đề xuất đến năm 2015 tăng gấp đôi lượng cà phê nội địa so với hiện nay, xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam và thấy được sản phẩm cà phê Việt Nam tại các kệ của các hệ thống siêu thị ở những thị trường lớn như Mỹ… Việt Nam sẽ tổ chức hội nghị cà phê toàn cầu năm 2015. Sân khấu được dàn dựng trong không gian hoàn toàn mở của Làng cà phê Trung Nguyên cộng với gió và không khí se lạnh của phố núi có thể xem là điểm nhấn đặc biệt của chương trình. Với hầu hết các bài hát mang âm hưởng núi rừng Tây Nguyên, chương trình như một dòng chảy những âm thanh từ đại ngàn đầy cảm xúc. Chương trình sẽ tiếp tục diễn ra vào tối nay, 14-3. (K.THI) |
CÔNG PHIÊN - CÔNG HOAN