Nâng cao giá trị gạo xuất khẩu

Xuất khẩu gạo gặp khó
Nâng cao giá trị gạo xuất khẩu

Ngày 12-9, Hội thảo Nâng cao giá trị gạo xuất khẩu Việt Nam do Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại TPHCM. Tại đây, các nhà quản lý, chuyên gia giàu kinh nghiệm đã thảo luận nhiều vấn đề về hoạt động sản xuất, kinh doanh lúa gạo hiện nay. Mục tiêu đặt ra là phải nhanh chóng tổ chức lại sản xuất, cải tiến công nghệ… nhằm nâng cao giá trị gạo xuất khẩu, từ đó cải thiện đời sống của người nông dân.

Thu hoạch lúa tại đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: CAO THĂNG

Thu hoạch lúa tại đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: CAO THĂNG

Xuất khẩu gạo gặp khó

Năm 2012, Việt Nam có lượng gạo xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn, là nước xuất khẩu lúa gạo lớn thứ hai thế giới sau Ấn Độ. 8 tháng đầu năm 2013, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 4,7 triệu tấn, trị giá xuất khẩu FOB đạt 2,005 tỷ USD. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái thì số lượng giảm 7,86%, trị giá FOB giảm gần 11% và giá bình quân giảm khoảng 15 USD/tấn. Mặc dù xuất khẩu gạo có tăng về lượng nhưng giá FOB lại giảm sút. Các chuyên gia dự đoán, tình hình xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong những tháng cuối của năm 2013.

Giải thích nguyên nhân giá gạo xuất khẩu của nước ta liên tục giảm, ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho rằng thị trường xuất khẩu lúa gạo Việt Nam bị lệ thuộc nhiều vào thị trường thế giới. Chính phủ Thái Lan do gạo tồn kho vượt khả năng lưu trữ nên đã hạ giá bán gạo cho cả doanh nghiệp xuất khẩu lẫn doanh nghiệp trong nước. Ấn Độ năm nay lại được mùa, giá gạo xuất khẩu sụt giảm. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam không có khả năng dự trữ lúa gạo lâu dài, lại phải chịu áp lực từ lãi suất ngân hàng nên phải bán nhanh, dẫn đến giá giảm. Cộng thêm những biến động từ thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản làm lượng gạo xuất khẩu Việt Nam giảm liên tục trong thời gian qua.

Tình trạng khó khăn chung của kinh tế thế giới đã tác động tiêu cực đến lúa gạo, nông dân và những người tham gia trong chuỗi cung ứng lúa gạo. Những giải pháp cho doanh nghiệp và nông dân hiện nay chỉ mang tính tạm thời. Các vấn đề như kỹ thuật, tâm lý sản xuất của nông dân, tập quán canh tác, điều kiện tự nhiên như khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn đang là những hạn chế, thách thức của hoạt động sản xuất lúa gạo Việt Nam.

Tổ chức lại sản xuất

Thời gian gần đây, dư luận quan tâm đến tình trạng nông dân bỏ ruộng ở một số tỉnh phía Bắc. Đại diện Bộ Công thương cho rằng, việc nông dân bỏ ruộng là tình trạng cá biệt, chỉ xảy ra tại một số địa phương. Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam cần nghiên cứu lại cơ cấu nông nghiệp để đạt hiệu quả cao hơn. Cần đánh giá một cách đúng đắn về lợi thế và hiệu quả cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam; công tác nghiên cứu về thị trường, xây dựng hạ tầng và đầu tư cho sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, xem xét lại cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cần thiết phải tính toán lại diện tích lúa gạo nước ta. Việc điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất lúa gạo không những làm giảm áp lực từ thị trường mà còn thúc đẩy các ngành khác, trong đó có ngành chăn nuôi phát triển, giúp cân đối kim ngạch xuất nhập khẩu.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nên tổ chức sản xuất một cách phù hợp trên cơ sở căn cứ vào nhu cầu thị trường, xây dựng nền nông nghiệp có năng lực cạnh tranh tốt và gắn kết sản xuất với thị trường, xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam và đẩy mạnh xúc tiến thương mại.

Theo TS Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công thương, để giải quyết tình trạng xuất khẩu gạo giảm, chúng ta đã triển khai các hoạt động xúc tiến thị trường từ rất sớm. Việt Nam đã củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường xuất khẩu ở châu Phi, châu Mỹ… Đối với những thị trường còn gặp nhiều khó khăn như Trung Quốc, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần chủ động phối hợp xây dựng danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam và nhập khẩu gạo của Trung Quốc. Tạo môi trường kinh doanh, giao dịch thuận lợi để doanh nghiệp hai bên dễ dàng ký kết các hợp đồng thương mại. Thực hiện mô hình liên kết giữa doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo với người sản xuất một cách linh hoạt và phù hợp. Đồng thời có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là về tín dụng.

Trả lời một số ý kiến cho rằng quy định chỉ 150 doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo có thể dẫn đến tình trạng xin - cho, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng sẽ không có tiêu cực như người ta vẫn thường nghĩ. Bởi việc cấp phép sẽ đảm bảo công bằng, khách quan, minh bạch, căn cứ trên khả năng và hiệu quả của doanh nghiệp. Kinh doanh xuất khẩu gạo là ngành kinh doanh có điều kiện, những doanh nghiệp nào muốn tham gia hoạt động kinh doanh đó phải thỏa mãn những điệu kiện mà pháp luật quy định.

NGỌC QUÝ

Tin cùng chuyên mục