Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, cho rằng: Các tỉnh không nên phát triển diện tích đại trà kiểu “ai có gì mình có nấy”, mà cần chọn từ 1 - 3 loại cây chủ lực để tập trung đầu tư.
Ưu tiên chọn những loại cây có thể cạnh tranh như xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn, măng cụt, bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, thanh long, sầu riêng, nhãn, chôm chôm, chuối, khóm… Bên cạnh đó, xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản tập trung ở Đông Nam bộ và ĐBSCL. Sản xuất theo hướng thâm canh, áp dụng quy trình GAP và Global GAP đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Theo dự báo của Tổ chức Lương nông quốc tế (FAO), nhu cầu tiêu thụ rau quả trên thế giới tăng bình quân 3,6%/năm, tuy nhiên mức cung chỉ tăng khoảng 2,5%/năm. Nhu cầu nhập khẩu trái cây nhiệt đới từ các nước vùng ôn đới rất lớn, đây là cơ hội tốt để Việt Nam đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu.
Trái cây nước ta đa dạng phong phú về chủng loại, mùa nào cũng có sản phẩm. Tuy nhiên, việc sản xuất trái cây lâu nay rơi vào tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng chưa ổn định, màu sắc, kích cỡ không đồng đều nên tính cạnh tranh chưa cao.
Công nghệ đóng gói, bảo quản sau thu hoạch còn lạc hậu so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia… cộng với sự liên kết giữa nông dân với nông dân trong sản xuất và nông dân với doanh nghiệp trong tiêu thụ còn lỏng lẻo đã dẫn đến những bất lợi cho trái cây.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), giai đoạn từ năm 2002-2005 diện tích cam, quít ở phía Nam tăng nhanh nhưng 3 năm gần đây có xu hướng giảm do bệnh vàng lá làm thiệt hại hàng loạt.
Ở Lai Vung (Đồng Tháp), nhiều nhà vườn cũng khốn đốn vì bệnh vàng lá hoành hành. Tại các huyện Trà Ôn, Tam Bình (Vĩnh Long), nhiều hộ trồng cam sành đã đồng loạt phá bỏ vườn cam đặc sản do cây bị nhiễm bệnh vàng lá dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp.
Khó khăn là vậy, nhưng các chuyên gia ngành nông nghiệp khẳng định tiềm năng trái cây của chúng ta không thua kém các nước trong khu vực. Vấn đề là các ngành chức năng, các địa phương, doanh nghiệp cần mạnh dạn vào cuộc để định hình lại phương thức sản xuất, hỗ trợ xuất khẩu tạo ra hướng đi mới để nâng cao giá trị.
Phương Uyên