Nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng

Quốc hội đã ban hành Luật phòng, chống tham nhũng với những điểm mới, cụ thể, chặt chẽ hơn như thành lập Ban chỉ đạo thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư đứng đầu; lập lại Ban Nội chính từ tỉnh/thành phố đến Trung ương để theo dõi, đôn đốc việc xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực nổi cộm; thực hiện kê khai tài sản, công khai tài sản thực chất hơn...

Quốc hội đã ban hành Luật phòng, chống tham nhũng với những điểm mới, cụ thể, chặt chẽ hơn như thành lập Ban chỉ đạo thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư đứng đầu; lập lại Ban Nội chính từ tỉnh/thành phố đến Trung ương để theo dõi, đôn đốc việc xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực nổi cộm; thực hiện kê khai tài sản, công khai tài sản thực chất hơn...

 Tuy nhiên, mọi việc đều do con người, thực hiện bởi con người. Vì vậy, mạnh tay trong dẹp trừ hành vi “chạy án”, can thiệp sâu vào các vụ án của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì mới mong ngăn chặn đẩy lùi được tham nhũng đã diễn ra ngày càng rộng khắp, ở nhiều ngành, lĩnh vực như hiện nay. Theo thống kê của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao thì các loại tội phạm liên quan đến tham nhũng thường có tỷ lệ đình chỉ án, đặc biệt là án treo nhiều nhất. Câu hỏi đặt ra là tại sao lại như vậy, nguyên nhân do đâu?

Theo chúng tôi, nguyên nhân có liên quan đến việc chạy án, can thiệp vào các vụ án của các cơ quan chức năng. Có những vụ án bị phát hiện, khởi tố, dư luận mong ngóng, chờ đợi, tin tưởng sẽ bị xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội nhưng đùng một cái vụ án bị đình chỉ, “chìm xuồng” hoặc có đưa ra xét xử thì các bị can thường chỉ nhận án treo, sau một thời gian sự việc lắng xuống thì đâu lại vào đấy...

Theo lẽ thường, khi phạm tội là phải tìm luật sư giỏi để bào chữa, gỡ tội, khắc phục hậu quả để được giảm án. Nhưng trong một số trường hợp ở nước ta gần như ngược lại. Khi vướng vào pháp luật là các bị cáo, người thân lại tìm cách “chạy án”, “chạy tội” bằng mọi cách, mọi giá với mọi mối quan hệ mà họ có được. Trong khi tội phạm tham nhũng hầu hết là những kẻ có tiền, có quyền và nhiều mối quan hệ, quen biết, phe cánh với nhau nên việc xử lý lại càng khó hơn. Vì thế mà một số trường hợp cầm cân nảy mực trong các cơ quan tư pháp bị thoái hóa biến chất đã bẻ cong pháp luật, bỏ lọt tội phạm hoặc cố ý bao che cho nhau, đồng nghĩa với việc tội phạm tham nhũng được tiếp sức, phát triển ngày càng nhiều.

Do đó, trình độ hiểu biết pháp luật, việc bào chữa của luật sư có khi không quan trọng, không hiệu quả bằng các mối quan hệ, bằng tiền. Sự việc này cứ lặp đi, lặp lại nhiều lần làm cho cán bộ, đảng viên chân chính và người dân mất tin tưởng vào các cơ quan bảo vệ pháp luật, vào hệ thống chính trị. Theo quy định của pháp luật thì các cơ quan tiến hành tố tụng hoàn toàn độc lập, không liên quan đến nhau. Mỗi cơ quan có phần việc, trách nhiệm khác nhau đối với từng giai đoạn tố tụng. Tuy nhiên, do ở nước ta việc phân định chưa rạch ròi, thường thì các cơ quan này họp bàn định ra phương án xử lý các vụ việc. Do đó, nhiều chuyên gia luật cho rằng nếu đương sự khi vướng vào vụ án nào đó chỉ cần “chạy” một cơ quan tố tụng là được! Ví dụ, kẻ phạm tội chỉ cần “chạy” người có trách nhiệm thụ lý án của cơ quan điều tra, sau đó người này sẽ tự động “làm việc” với các cơ quan tố tụng liên quan là xong!

Theo chúng tôi, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các hành vi “chạy án”, “chạy tội”, can thiệp vào các vụ án của những người có chức, có quyền. Đồng thời, quy định sự độc lập, khách quan trong việc xử lý vụ án, nhất là các vụ án tham nhũng. Có như vậy, mới mong dẹp được nạn tham nhũng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng hiện nay.

PHẠM VĂN CHUNG
(Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum)

Tin cùng chuyên mục