Nâng cao năng lực phản biện chính sách của MTTQ

Ngày 13-3, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội thảo tổng kết lý luận - thực tiễn MTTQ Việt Nam tham gia giải quyết các vấn đề xã hội với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học.

(SGGP).– Ngày 13-3, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội thảo tổng kết lý luận - thực tiễn MTTQ Việt Nam tham gia giải quyết các vấn đề xã hội với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình, hội thảo nhằm làm sáng tỏ về lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới đất nước về tham gia giải quyết các vấn đề xã hội của MTTQ Việt Nam, đặc biệt trong 10 năm trở lại đây; đồng thời tiếp tục bổ sung, đề xuất với Đảng về vai trò của MTTQ Việt Nam tham gia giải quyết các vấn đề xã hội trong tình hình mới, góp phần chuẩn bị các văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng.

Một trong vấn đề được đi sâu phân tích, làm rõ là thực trạng tham gia giải quyết nhóm vấn đề giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội của MTTQ Việt Nam. Giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội là một chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước. Trong những năm qua, mặc dù kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn nhưng chỉ tính riêng giai đoạn 2005 - 2012, cả nước đã huy động gần 672.000 tỷ đồng đầu tư cho giảm nghèo và an sinh xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 7,8% năm 2013. Việt Nam đã hoàn thành sớm trước nhiều năm mục tiêu thiên niên kỷ về xóa nghèo của Liên hiệp quốc…

Trong thành tựu xóa đói giảm nghèo của cả nước, sự đóng góp của MTTQ Việt Nam là hết sức to lớn, không chỉ là kênh huy động nguồn lực của cộng đồng xã hội với kết quả đã huy động được hàng ngàn tỷ đồng cho giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội thời gian qua, mà mặt trận còn là nơi tổ chức nhiều phong trào xã hội rộng khắp chăm lo đời sống cho đồng bào nghèo, đồng bào gặp thiên tai, bão lụt, rủi ro trong cuộc sống, như phong trào làm nhà đại đoàn kết, phong trào mái ấm tình thương, phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư… Tuy nhiên, vấn đề giảm nghèo cũng đang đặt ra nhiều thách thức như kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn. Hiện có quá nhiều chính sách giảm nghèo dẫn đến nguồn lực bị phân tán, dàn trải, chính sách chưa phù hợp với đặc thù từng vùng, từng nhóm đối tượng. Mặt khác, trong tổ chức thực hiện nhiều nơi chưa được sự quan tâm đúng mức của cấp ủy, chính quyền; chưa tạo điều kiện để mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia từ khâu đề xuất chính sách, huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện, giám sát đánh giá hiệu quả của chương trình, chính sách…

Từ thực tế đó, các ý kiến đều cho rằng, giai đoạn tới là giai đoạn đổi mới mạnh mẽ về phương thức thực hiện các mục tiêu giảm nghèo và an sinh xã hội; chuyển chủ thể thực hiện từ nhà nước các cấp sang chủ thể là người dân, cộng đồng dân cư. Vì vậy, MTTQ Việt Nam cần thể hiện vai trò quan trọng trong tất cả quá trình chính sách, từ khâu xây dựng, đề xuất chính sách, đến huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện chính sách và giám sát đánh giá chính sách ở tất cả các cấp. Đồng thời, nâng cao năng lực của cán bộ mặt trận các cấp trong việc tổ chức tham vấn và phản biện chính sách, trong giám sát thực hiện chính sách; đẩy mạnh các phương thức huy động nguồn lực xã hội cho giảm nghèo và an sinh xã hội, thông qua việc phát động các phong trào, các cuộc vận động của mặt trận và các tổ chức thành viên…

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục