Từ ngày 1-1-2016, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực thi hành với nhiều điểm thay đổi đáng chú ý, trong đó có quy định về thẩm quyền Thanh tra chuyên ngành của cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH). Theo đó, tại khoản 3, Điều 16 Luật BHXH sửa đổi, bổ sung năm 2014, quy định cơ quan BHXH có chức năng Thanh tra chuyên ngành về chế độ BHXH, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của luật này và các văn bản pháp luật khác.
Nếu trước đây, để thanh tra hoặc kiểm tra chuyên ngành về BHXH ở một đơn vị hay một doanh nghiệp sử dụng lao động có chấp pháp và thực hiện đầy đủ việc đóng các chế độ về BHXH, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động hay không thì cơ quan BHXH phải phối hợp với các cơ quan chức năng nhà nước khác có thẩm quyền để thanh tra, kiểm tra đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động. Trường hợp trong khi thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện đơn vị, doanh nghiệp có sử dụng lao động trốn đóng BHXH hoặc thực hiện không đầy đủ các chế độ về BHXH cho người lao động thì cơ quan BHXH chỉ có thể kiến nghị với cơ quan chức năng nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm.
Còn theo quy định mới, ngoài việc trực tiếp ra quyết định xử lý hành vi vi phạm hành chính của đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động, cơ quan BHXH còn có thể kiến nghị hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra yêu cầu điều tra, xử lý hình sự nếu phát hiện các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động có biểu hiện trốn đóng BHXH, chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm y tế...
Việc Luật BHXH sửa đổi, bổ sung năm 2014 có quy định trên là rất trúng và kịp thời, nhằm nâng cao hơn nữa vai trò, vị trí quản lý nhà nước của cơ quan BHXH, nhất là trước tình trạng nhiều đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng hoặc cố tình chiếm dụng tiền BHXH của người lao động hiện nay. Tuy nhiên, để công tác này thực sự có hiệu quả, cần thiết phải nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra. Bởi lẽ trong thực tế, đã từng xảy ra trường hợp cơ quan BHXH cử cán bộ đi kiểm tra đối chiếu về việc thực hiện việc đóng BHXH, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp tại các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động, cán bộ kiểm tra không rành về pháp luật lao động quy định chức danh của người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, sau đó phải gọi điện thoại về cơ quan để “cầu cứu” đồng nghiệp tra giúp văn bản pháp luật...
Một khi năng lực của người cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về BHXH được nâng cao thì sẽ dễ dàng phát hiện vi phạm, từ đó nâng cao hơn nữa vai trò thanh tra chuyên ngành cũng như vai trò quản lý nhà nước của cơ quan BHXH.
NGUYỄN ĐƯỚC