Sổ tay

Nâng chất cà phê

Ngày 29-10, tại buổi họp của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) về niên vụ mới 2010-2011, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa cho biết tháng 11 hàng năm cà phê bước vào niên vụ thu hoạch mới trong bối cảnh lượng hàng tồn kho cà phê ở châu Âu và châu Mỹ xuống thấp hơn năm trước nên đẩy giá cà phê tăng dần.

Hiện nay giá lên cao, 1.950 USD/tấn cà phê Robusta tại thị trường LIFFE (Luân Đôn, Anh quốc), giá cà phê trong nước trên 29.000 đồng/kg.

Theo tính toán, mùa vụ vừa rồi, diễn biến giá thất thường và tình trạng DN ký bán quá nhiều hợp đồng trừ lùi khiến các DN bị thiệt trên 1.000 tỷ đồng. Do vậy, giá cá phê xuất khẩu bình quân 1.435 USD/tấn so với niên vụ trước là 1.649 USD/tấn, giảm 12,9% nên kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh, chỉ còn khoảng 1,66 tỷ USD so với trên 2 tỷ USD trong niên vụ trước. Do vậy, cần một chiến lược xuất khẩu cà phê, trong đó, yêu cầu bức thiết là sự liên kết giữa các DN và sự chủ động tạm trữ. Việc Chính phủ mua tạm trữ 200.000 tấn cà phê giữa năm nay khiến giá cà phê trong nước lập tức tăng từ 23.000 đồng lên 30.000 đồng/kg.

Chính vì vậy ông Lương Văn Tự cho biết, hiệp hội thống nhất và thực hiện ngay việc mua tạm trữ từ đầu vụ để điều tiết thị trường. Bởi vì, thu hoạch cà phê chỉ trong vài tháng, nhưng tiêu thụ cả năm, nên phải chủ động lượng hàng để điều phối thị trường. Hiện tại, các DN và Vicofa đang kiến nghị Chính phủ cho thực hiện điều 6 của Quyết định 481 về tiếp tục triển khai thu mua tạm trữ cà phê chủ động và hình thành một ban điều phối quốc gia cà phê, đồng thời cần xây dựng quy chế về tạm trữ, kinh doanh cà phê… 

Nếu không thay đổi tập quán và áp dụng công nghệ chế biến hiện đại, sẽ còn thất thu dài dài. Việc nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu, theo lãnh đạo Công ty Cà phê Chiến Thắng (Đắc Lắc), điều kiện chế biến sau thu hoạch rất quan trọng.

DN xuất khẩu cà phê có khả năng đầu tư thiết bị và công nghệ chế biến cà phê nhân, nhưng công đoạn này chưa quan trọng bằng khâu ngay sau thu hái của bà con, phải có sân bằng xi măng để phơi (không phơi trên nền đất). Tuy nhiên, đây lại là công đoạn yếu nhất, không dễ khắc phục nếu nhà nước không hỗ trợ vốn.

Với cách làm của Công ty Cà phê Chiến Thắng, trồng 2.000 ha, thu hoạch và chế biến theo đúng bài bản đã nâng cao giá bán lên 10% mỗi tấn, tương đương khoảng 100 USD. Với lượng xuất 1 triệu tấn/năm, con số này có thể lên đến cả trăm triệu USD

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục