Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực, giám sát, phản biện xã hội (PBXH), góp ý xây dựng Đảng, chính quyền là nhiệm vụ trọng tâm của công tác mặt trận hiện nay. Tuy nhiên, trong quá trình triển PBXH còn nhiều khó khăn, vướng mắc, mặt trận các cấp vẫn chưa phát huy được vai trò của mình trong việc phản biện lại các văn bản quy phạm pháp luật, các dự thảo quy chế, nghị định, chỉ thị…
GS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ pháp luật của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, thẳng thắn cho rằng, PBXH là một vấn đề lớn và mới nhưng thời gian qua mặt trận làm còn lúng túng và hình thức. PBXH phải mang tính dân chủ, khoa học và là phương thức kiểm soát các văn bản của Đảng và Nhà nước trước khi thi hành, những văn bản thể hiện ý nguyện của nhân dân, phản ánh được ý kiến nhiều chiều, nhiều tầng lớp và được nhân dân đồng tình sẽ hiệu quả khi đi vào cuộc sống... “PBXH được xem như một sự tác động của xã hội và phản ánh dư luận xã hội rộng lớn đối với sự ra đời của các văn bản. Người tham gia phản biện phải có bản lĩnh, chuyên môn và phải chọn những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau để phản biện”, GS Trần Ngọc Đường nhấn mạnh. TS Nguyễn Quang Minh, Trưởng ban Dân chủ pháp luật, cũng cho rằng, cơ chế tiếp thu, phản hồi ảnh hưởng tới hiệu quả PBXH của MTTQ Việt Nam. Đây là vấn đề rất quan trọng, nếu không có cơ chế tiếp thu sẽ làm nản lòng người tham gia PBXH; sẽ không có PBXH bền vững nếu không có tiếp thu và phản hồi lại PBXH hoặc PBXH sẽ sớm bị thui chột nếu các ý kiến PBXH đưa ra bị “rơi vào im lặng”, người PBXH rơi vào tình trạng như võ sĩ “đấm không khí”. Nếu tiếp thu và phản hồi thiếu đi tính nghiêm túc hay mang tính hình thức, đối phó thì cũng sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả của hoạt động PBXH và làm xói mòn nhiệt huyết của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phản biện.