Thay đổi tích cực
Theo Bộ NN-PTNT, những năm qua, giao thông nông thôn ở ĐBSCL ngày càng hoàn thiện. Đến nay, toàn vùng có trên 97% số xã có đường ô tô đến huyện; gần 97% đường trục xã được bê tông, nhựa hóa; trên 91% đường nông thôn ở các xã được thảm nhựa, bê tông. Các địa phương trong vùng vận động đơn vị, người dân, mạnh thường quân tài trợ xây mới nhiều cầu bê tông, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển nông sản dễ dàng. Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi và phòng chống thiên tai được chuyển đổi đáp ứng nền nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu. An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, TP Cần Thơ… còn tích cực đầu tư xây mới nhiều trường học; cải tạo các trạm y tế xã, nâng cấp trụ sở ở ấp và nhà văn hóa ấp khang trang phục vụ nhu cầu sinh hoạt, nơi trao đổi kiến thức của người dân nông thôn.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhận định: Nông nghiệp ở ĐBSCL cũng đang chuyển theo hướng “thủy sản - trái cây - lúa”; từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực gắn với chế biến, nâng cao giá trị. UBND huyện Chợ Mới (An Giang) cho biết, hiện nay sản xuất rau màu ở huyện cho thu nhập bình quân hơn 390 triệu đồng/ha/năm, còn cây ăn trái đạt 321 triệu đồng/ha… giúp nhiều hộ khá giả. Nhờ đó, bà con mạnh dạn tham gia cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, bộc bạch, chương trình nông thôn mới đã lan tỏa rộng khắp đến từng hộ nông thôn, người dân hiểu rõ ý nghĩa, quyền lợi và trách nhiệm của mình; sự ý thức tự lực, hợp tác của người dân ngày càng được nâng cao rõ rệt. Chỉ tính riêng năm 2019, toàn tỉnh huy động các nguồn khoảng 47.629 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, đến nay ở Đồng Tháp có 70 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm gần 60%); 8 xã đạt 19 tiêu chí, 39 xã đạt 13-18 tiêu chí. Chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn cải thiện, hộ nghèo giảm xuống còn 2,73%...
Nhiệm vụ lâu dài
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, từ những kết quả của giai đoạn 2010-2020, các tỉnh ĐBSCL cần xác định tiêu chí, nhiệm vụ cụ thể để tập trung nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cụ thể, xây dựng nông thôn mới phải thuận thiên, dựa vào các quy luật tự nhiên để phát triển. Cơ sở hạ tầng cần được quy hoạch và đầu tư theo hướng thông minh, đảm bảo an toàn trước thiên tai... Mục tiêu đến năm 2025, toàn vùng ĐBSCL phấn đấu có 4 địa phương cấp tỉnh được Thủ tướng công nhận hoàn thành nông thôn mới. Có ít nhất 50% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, toàn vùng có khoảng 10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu). Có ít nhất 75% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó khoảng 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu). Ngoài ra, tập trung nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn, tăng thu nhập bình quân ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.
Bộ NN-PTNT đã yêu cầu các tỉnh ĐBSCL phát huy vai trò chính quyền các cấp; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất, xây dựng các mô hình nông nghiệp quy mô lớn, phát triển chuỗi liên kết sản xuất hỗ trợ nông dân. Huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện nông thôn mới; tiếp tục phát huy vai trò giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, cùng cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang: “Giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh có thêm 28 xã và 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 3 xã đạt nông thôn mới nâng cao; thu nhập bình quân đầu người ở các xã nông thôn mới cố gắng đạt 65 triệu đồng… Tỉnh đề nghị các cấp, các ngành cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động trong xây dựng nông thôn mới. Từng ngành, từng địa phương không ngừng đổi mới tư duy, cách làm, phát huy tính năng động và sáng tạo trong thực hiện chương trình; đồng thời xác định đây là nhiệm vụ lâu dài, không có điểm dừng...”.
UBND TP Cần Thơ lưu ý, dù đề ra mục tiêu đến năm 2025 có 100% số xã và 100% số huyện về đích nông thôn mới, nhưng vấn đề quan trọng là tập trung các giải pháp nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, bởi dân là đối tượng được thụ hưởng những lợi ích từ chương trình này. Do đó, TP Cần Thơ đã chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt tuyên truyền sâu rộng, bám sát phương châm “người dân dễ hiểu, dễ thấy, dễ làm và dễ đóng góp”. Đây là bước ngoặt giúp người dân chuyển biến về nhận thức, tạo sự đồng thuận trong xây dựng nông thôn mới...