Đặc sản tham gia OCOP
Cà Mau là tỉnh dẫn đầu xuất khẩu tôm của cả nước với kim ngạch hàng năm trên 1 tỷ USD. Tôm khô được xem là một trong những đặc sản vùng đất cực Nam Tổ quốc. Nhiều người dân Cà Mau hay tặng đặc sản này cho người thân, bạn bè ở mọi miền đất nước, nhất là vào các dịp lễ, tết. Các du khách khi đến Cà Mau cũng thường hay mua tôm khô về làm quà.
Những năm gần đây, tôm khô Sông Đầm do cơ sở của anh Lê Minh Sang (ấp Tân Hiệp, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) làm ra được nhiều người biết đến. Khi sản phẩm tôm khô Sông Đầm được công nhận đạt chuẩn OCOP (3 sao) thì tiếp tục được lan tỏa.
Theo anh Lê Minh Sang, tôm khô Sông Đầm làm từ những con tôm đất được sinh sản tự nhiên trong các vuông tôm và sông rạch vùng sông nước Cà Mau. Vào những con nước, anh thu mua tôm đất còn sống của bà con trong vùng, sau đó đem về luộc và được sấy khô tự nhiên. Trong quá trình chế biến, không dùng chất bảo quản hay phẩm màu nên sản phẩm tôm khô do cơ sở làm ra vẫn giữ được vị ngọt, thơm và màu tự nhiên.
Hiện trên địa bàn huyện Đầm Dơi đã có 6 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và UBND tỉnh Cà Mau công nhận đạt từ 3 sao. Còn trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 33 sản phẩm OCOP. Đa số, các sản phẩm OCOP là những đặc sản của tỉnh Cà Mau như tôm, cua, ba khía, mật ong…
Ông Ðỗ Vũ Thiên Ân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau) cho biết, một sản phẩm khi tham gia xếp hạng cần có nhiều tiêu chí. Tuy nhiên, cốt lõi quan trọng nhất là sản phẩm phải có chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Nguyên liệu chế biến phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, ưu tiên cho các sản phẩm sử dụng nguyên vật liệu và lao động địa phương. Sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, có chất lượng cao và bản sắc, đặc trưng mỗi vùng, miền, làng xóm.
Cũng theo ông Thiên Ân, để nâng hạng sản phẩm OCOP, ngoài việc các đáp ứng các tiêu chí về vùng nguyên liệu địa phương, mang bản sắc, trí tuệ, đặc trưng vùng, miền, quy mô sản xuất đáp ứng được nhu cầu thị trường, đáp ứng yêu cầu công bố chất lượng, an toàn thực phẩm, có nhãn hàng hóa theo quy định, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, có chất lượng cao ổn định, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Sản phẩm cần phải được áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến để đảm bảo chất lượng sản phẩm như quy trình thực hành nông nghiệp tốt GAP, Global GAP, áp dụng hệ thống HACAAP, ISO…
Bên cạnh đó, có hệ thống phân phối sản phẩm; ý tưởng sản phẩm và câu chuyện sản phẩm có đầy đủ các yếu tố, chân thật, có hồn; mẫu mã tốt đáp ứng được thị hiếu và yêu cầu của xuất khẩu. Đặc biệt là kế hoạch sản xuất kinh doanh khả thi và phù hợp; bảo đảm vùng nguyên liệu để đủ khả năng cung cấp khi có những đơn hàng lớn không bị đứt gãy cung ứng.
Sản phẩm lan tỏa
Trong năm qua, do tác động bất lợi của đại dịch Covid-19 nên nhiều sản phẩm OCOP, cũng như các sản phẩm khác gặp khó trong việc sản xuất và tiêu thụ. Dù vậy, các chủ thể vẫn nổ lực tiềm kiếm đối tác, mở rộng thị trường. “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc phân phối theo kênh trực tiếp gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, tôi chú trọng hơn nhiều đến kênh phân phối và tiêu thụ sản phẩm qua kênh thương mại điện tử, cũng như trên các nền tảng của mạng xã hội. Vì vậy, việc tiêu thụ vẫn có nhiều khả quan”, anh Lê Minh Sang thông tin.
Nói về Chương trình OCOP, ông Nguyễn Phương Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi chia sẻ: " Sau hai năm triển khai, huyện Đầm Dơi đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, tạo ra sự lan tỏa trong phong trào thi đua sản xuất của các xã, thị trấn và chủ thể sản xuất trên địa bàn huyện. Đây chính là nguồn động lực mới trong xây dựng nông thôn mới, trong phát triển kinh tế nông thôn.
Chương trình OCOP đã tạo ra phong trào khởi nghiệp sâu rộng tại các xã, bước đầu đã thu hút được hợp tác xã mới thành lập tham gia chương trình. Có nhiều thanh niên trẻ có trình độ, nhiệt huyết khởi nghiệp từ nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm thể hiện sự sáng tạo của người dân.
Ông Nguyễn Phương Bình cũng thông tin, sau khi tham gia Chương trình OCOP, các sản phẩm được đánh giá, phân hạng đã có bước tiến về chất lượng sản phẩm, đầu tư thiết kế bao bì, nhãn mác hiện đại, sang trọng. Các sản phẩm đã được sự quan tâm và ký kết họp đồng tiêu thụ với các kênh, nhà phân. Chương trình được triển khai cũng khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể đầu tư vào nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.
Về định hướng phát triển và nâng chất các sản phẩm OCOP, ông Ðỗ Vũ Thiên Ân cho biết, sẽ cùng với Sở Công thương, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau và các đơn vị có liên quan hỗ trợ các chủ thể thực hiện áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Hỗ trợ tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, các chương trình kết nối giao thương và được giới thiệu tại các điểm chuyên bán các sản phẩm OCOP, các siêu thị và nhiều hình thức khác.
Đồng thời, tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại với nhiều hình thức giúp cơ hội tham gia vào thị trường nội địa và quốc tế rộng mở hơn.
* Thêm 18 sản phẩm đạt chuẩn OCOP Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau vừa họp đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đợt 1 -2021. |