“Công ty tôi đăng tin tuyển dụng nhân viên tập sự, thực tập sinh cho các công ty nhỏ, công ty mới thành lập lên trang web, các trang mạng xã hội, thậm chí liên kết với các trường đại học nhưng ế lắm. Nhìn những mẩu tin tuyển nhân viên bán hàng, giao hàng của mấy quán cà phê, trà sữa, quán ăn vặt mà thấy ham, tuyển chỉ 5 - 7 người nhưng lúc nào cũng có hàng chục người đăng ký”, chị Trần Huỳnh Thư, nhân viên một công ty chuyên hỗ trợ tuyển dụng nhân sự, than trời trước thực trạng giới trẻ không mặn mà với công việc làm thêm ở môi trường làm việc chuyên nghiệp.
“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng…”
Chị Huỳnh Thư cho biết, không chỉ những hợp đồng tuyển nhân viên tập sự, thực tập sinh “khó nhằn”, mà ngay cả tuyển gia sư dạy kèm cũng không dễ. Trong khi chỉ vài năm trước, gia sư là công việc làm thêm phổ biến nhất, những mẩu tin tuyển dụng gia sư xuất hiện ở khắp nơi và luôn là ưu tiên hàng đầu của SV. Hiện tại, nghề này bị khan hiếm lao động khi SV không còn mặn mà với công việc dạy kèm. Nhiều bạn cho rằng, làm gia sư vất vả, áp lực, gặp học sinh ngoan, dễ tiếp thu bài, học tập tiến bộ thì được nhận đồng lương vui vẻ, còn không thì “ê chề”.
Chỉ cần ghé Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM, hoặc phòng hỗ trợ SV tại các trường đại học sẽ thấy, hầu hết các vị trí tuyển nhân viên bán hàng, chạy bàn, đóng gói sản phẩm hay những việc bán thời gian không yêu cầu kỹ năng được chú ý hơn những vị trí làm việc đòi hỏi trình độ, trí óc. Có những công việc tưởng chừng sẽ là “kèo ngon” của người trẻ nhưng vẫn lặng lẽ ở một góc của bảng tin tới vài tháng. Lý giải nguyên nhân lưu một danh sách dài với hơn chục đầu việc chủ yếu là phục vụ, bán hàng, Thu Thảo (SV Đại Học Văn hóa) cho biết, kiểu việc này rất nhiều người “săn” nên phải lưu nhiều, phòng trường hợp chỗ này có nhân viên rồi thì xin chỗ khác. Khi được hỏi, sao không chọn làm việc ở mấy công ty đang tuyển tập sự, vừa có kinh nghiệm, vừa có lương, Thảo lắc đầu: “Tôi thích mấy công việc tay chân nhưng thoải mái đầu óc, không đòi hỏi kỹ năng lại có đồng phục đẹp, được tiếp xúc với người cùng lứa tuổi, kiểu gì cũng dễ hơn”.
Để kiểm chứng, chúng tôi nhờ quản lý của một chuỗi quán cà phê đăng tin tuyển nhân viên với vị trí nhận thực đơn, phục vụ, pha chế trên fanpage, điều kiện tuổi từ 18 - 25, vui vẻ, hoạt bát, mức lương từ 16.000 - 18.000 đồng/giờ. Chỉ sau 7 giờ đăng tuyển, thông tin nhận được 36 bình luận và hàng chục tin nhắn đăng ký làm. Từ những người đăng ký, chúng tôi liên lạc và “chào việc” ở vị trí nhân viên tập sự phù hợp với chuyên ngành, đảm bảo thời gian tương tự, được đào tạo thực tế công việc và mức lương nhỉnh hơn một chút, nhưng nhiều bạn thẳng thừng từ chối. Lý do chủ yếu là chưa sẵn sàng cho một môi trường làm việc chuyên nghiệp; sợ làm không được, không đạt yêu cầu của công ty…
Ngại thử sức
Chúng tôi vẫn nhớ cuộc trò chuyện của mấy SV chạy Grab tụ tập trước một trung tâm thương mại tại quận Thủ Đức cách đây vài ngày. Khi câu chuyện chuyển sang chủ đề công việc, một tài xế Grab SV đưa quan điểm: “Đứa bạn rủ đi ngày hội tuyển dụng gì đó, thấy bảo cũng có nhiều công ty tuyển SV chưa tốt nghiệp nhưng tui thấy việc của mình là học, rảnh thì xách xe chạy vài cuốc kiếm đồng ra đồng vô cho khỏe. Giờ vào công ty người ta rồi phải học việc mà chưa biết có làm được không nữa, mất công hụt hẫng”.
Rõ ràng, giới trẻ biết có cơ hội nhưng ngại thử sức. Cũng bởi điểm cộng của những công việc này là không phải phỏng vấn tuyển dụng, chỉ cần đăng ký qua internet là có thể hành nghề, thời gian linh động, không phải học việc và được nhận “tiền tươi” nên giới SV ưa chuộng.
Chính sự dễ dãi của bản thân, chỉ thích việc đơn giản nên nhiều cử nhân đã tốt nghiệp đại học vẫn chọn bán hàng, phục vụ, chạy xe ôm hay đi giao hàng… thay vì sử dụng kiến thức đã học để làm nghề. Trương Minh Đoàn, 22 tuổi, tốt nghiệp Cao đẳng Bách Việt tròn 10 tháng nhưng vẫn gắn bó với công việc giao hàng hơn 2 năm nay, nói: “Thực ra cũng nhiều lần tôi tính tìm việc nào đó đúng chuyên ngành mình học nhưng nhìn vào yêu cầu tuyển dụng của mấy công ty như có trình độ này, khả năng kia, tôi cảm thấy mình không phù hợp nên ngại ứng tuyển. Sẵn công việc làm từ thời SV, thấy vẫn sống được nên tôi làm một thời gian nữa rồi tính sau”.
Nhìn vào con số hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp mỗi năm, lại trăn trở với những cá nhân không dám lăn xả, bỏ qua những cơ hội có việc làm ổn định, lâu dài. Thay vì cái lợi trước mắt, hãy đến thử việc tại các công ty chuyên nghiệp, dĩ nhiên sẽ mất thời gian rèn luyện, phải nỗ lực học hỏi nhưng đó sẽ là hành trang mà không trường, lớp nào có thể trang bị cho SV khi họ chính thức bước vào đời.