
Những năm 80,ở Hà Nội xuất hiện một nhóm trẻ đường phố đi khắp các ngõ ngách, phố phường của thủ đô Hà Nội để bán báo dạo. Các em thuộc tổ bán báo “Xa Mẹ”.
Từ tổ bán báo “Xa Mẹ”
Suốt 20 năm qua đã có gần 500 em được vợ chồng ông Tiến nuôi dạy, trong đó, có gần 300 em có nghề nghiệp, lương ổn định. Và ông bà Tiến mừng vui hơn khi đã có 60 trường hợp đã có mái ấm riêng, hạnh phúc. |
Vào những năm 80, khi nền kinh tế đất nước còn gặp nhiều khó khăn, cuộc sống của nhân dân ta – đặc biệt người dân ở các vùng quê còn nghèo khổ. Thủ đô Hà Nội lúc đó được coi là nơi mưu sinh của người tứ phương tìm về. Trong đó có những đứa trẻ bơ vơ không nhà, không người thân thích. Chúng phải gồng mình giành giật từng miếng ăn cho lẽ sinh tồn…
Cũng thời gian ấy, tại con phố Quán Sứ (Hà Nội) có một quán cơm nho nhỏ của vợ chồng ông bà Vũ Tiến - Vũ Thị Ngọc Oanh. Quán cơm luôn được sự “chào đón” của nhóm trẻ lang thang, cơ nhỡ... đi qua đi lại.

Bà Oanh nhớ lại: “Lúc đó hai vợ chồng tôi mở quán cơm với mục đích để thêm thắt tiền nuôi con ăn học. Do nằm ở vị trí thuận lợi (gần ga Hàng Cỏ) nên quán khá đông khách. Và quán cũng được nhiều trẻ em đường phố “để ý”. Hiểu việc chúng cứ đi đi lại lại trước cửa nhà mình, tôi rất day dứt. Thế là tôi gọi chúng lại, cho chúng cái ăn. Dần dần, trẻ truyền tai nhau kéo đến quán ngày một đông hơn. Hai vợ chồng lúc đó rất vui vì đã có thể chia sẻ phần nào nỗi bất hạnh, thiệt thòi với bọn trẻ”.
Trước tình thương yêu bọn trẻ, hai vợ chồng ông suy nghĩ: “Mình phải tìm cách giúp chúng, việc giúp chúng có cái ăn chỉ là giải pháp tình thế, không giúp chúng lâu dài được. Chính vì vậy, chúng tôi đã bàn bạc phải cho chúng một việc nào đó để chúng tự kiếm sống. Thế là tổ bán báo “Xa Mẹ” ra đời”, ông Tiến tâm sự.
Mọi vốn liếng do vợ chồng ông Tiến bỏ ra mua báo về giao cho từng em. Tất cả tiền bán báo sau mỗi buổi được đóng góp vào quỹ của tổ. Lòng nhân ái của vợ chồng ông bà Tiến - Oanh đã tiếp sức cho trẻ em đường phố có một cuộc sống ổn định và ấm cúng thân mật hơn. Ông bà như những người cha, người mẹ được những trẻ em lang thang, cơ nhỡ từ khắp nơi tụ hội về, tìm đến như một cơ may, duyên phận.
...đến lớp học tình thương
Trước kia, cô giáo Oanh lóc cóc một mình đạp xe ra tận các xóm ven sông ở Phúc Xá, Phúc Tân... dựng lán, thuê nhà mở lớp học xóa mù chữ cho trẻ em thất học ở đây. Bây giờ, cứ thứ hai, tư, sáu hằng tuần, chiếc xe ô tô du lịch 16 chỗ của Công ty Hoa Phượng lại tới chân cầu Long Biên đón các em nghèo, khó khăn tới lớp học “Nhân ái”. |
Do nhiều lý do, đến năm 1996 tổ bán báo “Xa Mẹ” ngừng hoạt động. Cùng thời điểm này, vợ chồng ông Tiến mở quán Hoa Phượng của gia đình ở 13 Ngô Văn Sở (Hoàn Kiếm - Hà Nội) và tất cả các em bỏ bán báo về phục vụ quán ăn. Còn bà Oanh vẫn tiếp tục dạy học ở trường cấp 2 xã Ngọc Thụy (Gia Lâm - Hà Nội).
Sau khi về hưu, Công ty TNHH Du lịch Văn hóa Giáo dục Hoa Phượng được thành lập do bà Oanh làm giám đốc đã kết nối những trẻ em đường phố lại với nhau một lần nữa. Tuy là công ty chuyên tổ chức các tour du lịch, dịch vụ ăn uống nhưng tất cả tiền lãi được đem đi làm việc nghĩa. Lớp học “Nhân ái” cũng được tổ chức để dạy dỗ trẻ em đường phố do bà Oanh đảm nhiệm.

“Phần lớn các cháu đến đây hầu như không biết chữ hoặc học hành dang dở. Muốn chúng quay trở lại với lớp học không hề dễ, phần vì bỏ bê quá lâu, phần vì phải đi nhặt rác, đánh giày… kiếm sống không còn thời gian đến lớp. Để các cháu được thuận tiện, chúng tôi phải tổ chức đưa, đón các cháu đến lớp học lấy cái chữ, biết tính toán mai này bớt khổ” - bà Oanh chia sẻ.
Đến với lớp học còn có cô Nguyễn Thị Hòa, đồng nghiệp của bà Oanh ở Trường Ngọc Thụy hàng chục năm qua vẫn tình nguyện tới lớp học “Nhân ái” dạy con chữ cho trẻ em đường phố.
Trong căn phòng chừng 25m² của lớp học, chúng tôi được tận tai nghe những tiếng bi bô i tờ, tận mắt chứng kiến những trẻ tập tô, tập viết, tập tính dưới sự hướng dẫn chỉ bảo của cô giáo Hòa, cô giáo Oanh. Em Nguyễn Thị Hà đang đánh vần vanh vách: oa... hoa - en... sen … “Hoa sen trong vườn Bác”.
Hiện nay, Công ty Hoa Phượng nuôi dưỡng 30 em từ 5 đến 18 tuổi, trong đó có 8 em là người dân tộc thiểu số, 10 em đang theo học tại các trường dạy nghề do Hoa Phượng chi trả...
Phạm Nguyên (SGGP-12)