
Trong bối cảnh giá dầu lửa tăng cao, các nguồn năng lượng hóa thạch dần cạn kiện và gây ô nhiễm môi trường, trong khi các nguồn năng lượng tái tạo chưa phổ biến và đắt đỏ, năng lượng hạt nhân đang được coi là nguồn năng lượng chiến lược đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới.
Nguồn năng lượng của tương lai?

Trên thế giới, hiện có khoảng 442 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động tại 201 nhà máy điện ở 31 quốc gia, trong đó, riêng Mỹ đã chiếm gần 1/4 (với 104 lò phản ứng), tiếp theo là một số quốc gia khác như Pháp (58 lò phản ứng), Nhật Bản (55 lò phản ứng).
Để đảm bảo an ninh năng lượng, nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục “đặt cược” vào nguồn năng lượng hạt nhân. Ước tính, từ nay đến năm 2030, các quốc gia trên thế giới sẽ xây dựng thêm khoảng từ 100-300 lò phản ứng hạt nhân mới.
Tại Pháp, tháng 7-2008, Tổng thống Nikolas Sarkozy tuyên bố để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay, nước này sẽ xây dựng thêm một lò phản ứng hạt nhân làm nguội bằng nước nén (EPR) thế hệ 3 vào năm 2011. Trước đó, năm 2007, Pháp đã khởi công lò phản ứng hạt nhân thế hệ 3 đầu tiên tại khu vực nhà máy điện nguyên tử Flamanville (miền Bắc nước Pháp), dự kiến sẽ đưa vào sử dụng năm 2012.
Trong 20 năm tới, hai lò phản ứng hạt nhân thế hệ 3 này sẽ dần thay thế toàn bộ số nhà máy điện hạt nhân của Pháp hiện nay. Chính phủ Anh cũng mới thông qua kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng của nước này trong tương lai. Thế hệ lò phản ứng điện hạt nhân mới ở Anh sẽ được đưa vào sử dụng năm 2018.
Tại Mỹ, lần đầu tiên kể từ 30 năm qua, Washington đã lên kế hoạch chuẩn bị xây dựng thêm nhiều nhà máy điện hạt nhân mới. Tháng 4-2008, Công ty Điện lực Westinghouse Electric của Nhật đã đạt thỏa thuận với Công ty Điện lực bang Georgia (Mỹ) về việc xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân ở miền Nam. Dự kiến, hai nhà máy có công suất 1.100 MW sẽ được vận hành vào năm 2016 và 2017.
Để đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng lớn, Trung Quốc đã đặt mua 2 lò phản ứng hạt nhân thế hệ 3 của Pháp. Trước đó, tháng 8-2007, Trung Quốc đã khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới ở tỉnh Liêu Ninh (Đông Bắc Trung Quốc) có công suất khoảng một triệu KW, dự kiến phát điện vào năm 2012. Chính phủ Trung Quốc dự định xây mới 31 nhà máy điện hạt nhân, nâng tổng công suất phát điện hạt nhân lên 40 triệu KW vào năm 2020.
Ngoài ra, trên thế giới, nhiều quốc gia khác cũng đã có kế hoạch xây dựng hoặc xây mới các nhà máy điện hạt nhân như Italia, Phần Lan, Brazil, Ấn Độ, Nga, một số nước Địa Trung Hải như Ai Cập, Marocco, Algeria, Lybia…
Còn tranh cãi nhưng vẫn phát triển
Dù được nhiều quốc gia trên thế giới đầu tư xây dựng và coi là “cứu cánh” giúp giải tỏa cơn “khát” năng lượng nhưng điện hạt nhân cũng chứa đựng những nhược điểm và những rủi ro. Đó chính là lý do giải thích tại sao ở các quốc gia mà nguồn điện năng được sản xuất chủ yếu bằng năng lượng hạt nhân, ý kiến phản đối vẫn rất mạnh mẽ và các cuộc biểu tình diễn ra thường xuyên.
Lập luận của những người thuộc phe chống năng lượng hạt nhân không phải không có cơ sở. Trước tiên, về khía cạnh kinh tế, họ cho rằng việc đầu tư xây dựng và xử lý nhà máy hạt nhân sau khi hết hạn hoạt động rất tốn kém và lâu dài (giá xây dựng một nhà máy điện hạt nhân có công suất 1.000 MW khoảng 2 tỷ USD - đắt hơn 50% so với xây nhà máy điện chạy than cùng công suất; thời gian xây dựng nhà máy điện hạt nhân là 10 năm, so với 4 năm để xây nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá và 2 năm rưỡi cho một nhà máy điện chạy bằng khí đốt).
Bên cạnh đó, nguồn cung uranium hiện có chỉ đáp ứng được nhu cầu của các nhà máy điện hạt nhân trong khoảng 50 năm nữa, trong khi giá của chất liệu này không ngừng tăng, tỷ lệ thuận với số lò phản ứng hạt nhân được xây mới trên thế giới. Một nguyên nhân khác khiến những người phản đối năng lượng hạt nhân lo ngại là nguy cơ từ bọn khủng bố.
Giống như một quả bom nguyên tử, các nhà máy điện hạt nhân được coi là mục tiêu ưu tiên của bọn khủng bố. Cuối cùng, lý do thường những người phản đối năng lượng hạt nhân đưa ra nhất là những rủi ro liên quan đến quá trình vận chuyển, xử lý hoặc lưu giữ chất thải phóng xạ.
Tuy nhiên, những lợi ích của năng lượng hạt nhân là không thể phủ nhận. Trước hết, điện hạt nhân giúp giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với các nhà máy điện chạy bằng than hoặc khí. Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), để giảm được một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050, bên cạnh việc xây dựng khoảng 17.000 nhà máy điện chạy bằng sức gió, mỗi năm thế giới cần xây dựng 32 nhà máy điện hạt nhân mới.
Trong bối cảnh giá dầu tăng, nguồn nguyên liệu hóa thạch ngày càng khan hiếm và sắp cạn kiệt, trong khi các nguồn năng lượng thay thế khác như gió, mặt trời, thủy điện… không ổn định, việc “cầu cứu” tới năng lượng hạt nhân là kịch bản khó tránh khỏi. Ngoài ra, trong những năm gần đây, nhờ phát triển công nghệ trong các lò thế hệ mới, rủi ro liên quan đến việc cất giữ chất thải hạt nhân và vận hành nhà máy đã giảm thiểu rất nhiều…
Không phải ngẫu nhiên mà tại Diễn đàn Năng lượng hạt nhân châu Âu lần thứ hai, diễn ra ở thủ đô Prague (CH Czech) cuối tháng 5-2008, các nhà lãnh đạo châu Âu đã kêu gọi các nước thành viên EU tăng cường sử dụng năng lượng hạt nhân. Dự kiến, đến năm 2020, 60% lượng điện của EU sẽ được khai thác từ các nguồn không phát sinh khí thải gây hiệu ứng nhà kính, trong đó năng lượng hạt nhân đóng vai trò quan trọng.
Bài 2: Những thảm họa hạt nhân trong lịch sử
Hà Vy (tổng hợp)