Nâng tầm nông sản

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trong trồng trọt, chăm sóc, nông sản làm ra bán được giá cao, giúp nâng tầm giá trị. Các chuyên gia cho rằng, sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao là hướng đi cần được ưu tiên.
Nhờ áp dụng giống chất lượng cao và khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, vườn cà phê của bà Trần Thị Đềm (xã Đắk Mar) xanh tốt
Nhờ áp dụng giống chất lượng cao và khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, vườn cà phê của bà Trần Thị Đềm (xã Đắk Mar) xanh tốt

Tăng giá trị nông sản

Cánh đồng cà phê xã Đắk Mar (huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) nằm dọc đường Hồ Chí Minh có diện tích rộng hàng trăm hécta. Cà phê nơi đây đã xây dựng thương hiệu, được nhiều người ưa chuộng. Đến vựa cà phê xã Đắk Mar thời điểm này, chúng tôi chứng kiến người dân phấn khởi sau một mùa thu hoạch thắng lợi. Vườn cà phê của gia đình bà Trần Thị Đềm (thôn 1, xã Đắk Mar) được chăm sóc tốt nên xanh tươi, hoa nở trắng cành, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. “5 năm trước, khi cà phê già cỗi, tôi phá vườn để tái canh. Xác định yếu tố thành công là giống nên gia đình lặn lội khắp vùng để tìm chọn giống chất lượng cao, có khả năng kháng bệnh. Gia đình cũng trồng bằng phân hữu cơ, sử dụng kỹ thuật mới để chăm sóc. Nhờ đó, vụ thu hoạch vừa qua, mỗi cây cà phê thu được 16kg tươi, cao hơn so với khi chưa tái canh cà phê, cây lại ít mắc bệnh. Những năm tới, chắc chắn năng suất sẽ còn tăng khi cây lớn, tán mở rộng”, bà Điềm nói…

Theo ông Ka Ba Thành, Bí thư Huyện ủy Đắk Hà, trên địa bàn, diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ cao của huyện là 2.200ha. Trong đó, cây cà phê là 1.200ha, cây ăn trái khoảng 300ha, còn lại là các cây trồng khác. Cũng nhờ ứng dụng công nghệ mà cà phê ở huyện đã xây dựng được thương hiệu quốc gia. Sắp tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị của các sản phẩm nông nghiệp trên cùng một diện tích.

Ngược về huyện biên giới Chư Prông (tỉnh Gia Lai), Bí thư Huyện ủy Chư Prông Đinh Văn Dũng vui mừng cho biết, thời gian qua, nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn đã quan tâm sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, chanh dây là 1.000ha; sầu riêng 2.000ha; lúa 1.000ha; cà phê 2.000ha; chuối, xoài 800ha. Điểm chung của các loại cây này là áp dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng giống chất lượng, chăm sóc theo hướng hữu cơ, phù hợp thị trường thế giới nên giá bán cao. Có loại cây áp dụng công nghệ cao giá trị tăng lên gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với cách sản xuất thông thường, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Hướng đi cần được ưu tiên

Theo ông Đinh Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy Chư Prông, trước hiệu quả mang lại của công nghệ cao cho sản xuất nông nghiệp, huyện đã có nghị quyết chuyên đề về ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Định hướng của huyện là mở rộng diện tích ứng dụng công nghệ cao vào các loại cây thế mạnh của huyện như cà phê, chanh dây, lúa, sầu riêng. Để phát huy hiệu quả, huyện sẽ mời doanh nghiệp vào địa bàn xây dựng truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng, cơ sở chế biến nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu, qua đó giúp dân hưởng lợi nhiều hơn.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum cho biết, đến năm 2022, diện tích các loại cây trồng sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trên địa bàn đạt hơn 16.100ha, gồm các loại như rau, củ, quả, cà phê, cây ăn trái… Các sản phẩm trồng trọt ứng dụng công nghệ đã đạt năng suất và chất lượng cao, dần tìm được chỗ đứng trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã mang lại hiệu quả kinh tế. Đơn cử như Hợp tác xã Nông nghiệp Đăk Tờ Lung Xanh có ngành nghề là trồng cây ăn quả, chế biến sản phẩm nông nghiệp sạch. Cơ sở này đầu tư khu sơ chế bài bản, lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm. Định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới là sẽ nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất. Cụ thể, đến năm 2025, tỉnh phấn đấu nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao chiếm 20%-25% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, con số này đến năm 2030 sẽ là 25%-30%…

Tiến sĩ Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (Bộ NN-PTNT) cho biết, với những khó khăn sắp tới của ngành nông nghiệp như biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên, nên sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao là hướng đi cần được ưu tiên và có quy hoạch. Đồng thời, phát triển nông nghiệp công nghệ cao phải gắn với đầu ra. Để nông dân tự xây dựng phát triển ứng dụng công nghệ cao sẽ khó vì chi phí cao. Nhà nước cần có chương trình hỗ trợ bằng việc kết nối cơ quan nghiên cứu phát triển công nghệ cao để hoàn thiện, chuyển giao công nghệ cho người dân, doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp có đầu ra, họ sẽ quay lại hỗ trợ dân, hình thành mạng lưới liên kết cùng phát triển.

Tin cùng chuyên mục