Chương trình học nhạc với các bài hát quá cũ, chương trình đào tạo quá cứng nhắc nên giáo dục âm nhạc không gây được hứng thú cho học sinh. Trong khi đó, học sinh lại chủ yếu tập trung đến các môn văn hóa và coi nhẹ các môn nghệ thuật.
Thực sự, xem qua sách giáo khoa âm nhạc của học sinh tiểu học, THCS hiện nay có thể thấy, quá thiếu vắng những bài hát hay để dạy cho các em trong nhà trường.
Với lớp học sinh của mấy chục năm về trước, tâm hồn học trò được tưới đẫm bởi các ca khúc dành cho tuổi thơ của các nhạc sĩ danh tiếng. Thời đó, cùng với việc được thầy cô dạy nhiều bài hát hay trên lớp, hàng trăm ca khúc thiếu nhi xuất sắc đã được bao thế hệ tuổi thơ nghe, cảm và thuộc qua Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhờ những bài hát đó, tuổi thơ trở nên đẹp đẽ hơn, trong trẻo hơn, ước mơ dường như được chắp cánh bay xa hơn.
Giờ đây, chiếc đài bán dẫn ngày xưa dường như đã bị lãng quên vì gần như không còn chuyện thiếu nhi nghe các ca khúc tuổi thơ qua đài. Các bậc phụ huynh cũng gần như bỏ ngỏ cùng con nghe, tập và hát những bài ca dành cho thiếu nhi. Âm nhạc dành cho tuổi thơ dường như là trận địa để ngỏ.
Các em hầu như chỉ nghe, hát theo một số bài hát mới nổi trên truyền hình. Thiếu nhi đã không còn yêu thích các bài hát thiếu nhi? Hay các em không còn cơ hội để được tập, được hát những bài hát dành cho các em? Hay không còn những ca khúc thiếu nhi được viết cho các em? Minh chứng là cuộc thi Giọng hát Việt nhí diễn ra mấy năm gần đây, các em thiếu nhi phải thi thố bởi các bài hát dành cho người lớn.
Âm nhạc giúp trẻ có trí tưởng tượng tốt hơn, nhạy cảm hơn, biết sống yêu thương hơn… Ảnh minh họa
Nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu, Ủy viên Thường vụ Hội Nhạc sĩ Việt Nam, cho rằng âm nhạc có vai trò rất quan trọng giúp con người có trí tưởng tượng tốt hơn, nhạy cảm hơn, biết sống yêu thương hơn… Vì thế, giáo dục phổ thông không chỉ đóng khung trong việc trang bị kiến thức cho trẻ, mà quan trọng hơn là giúp công dân tương lai biết cảm nhận cái đẹp trong thiên nhiên, biết rung động trước cái đẹp trong tình người, để từ đó biết sống lương thiện.
Thế nhưng, sự thật là hiện nay các phụ huynh chỉ tập trung cho con học văn hóa mà bỏ ngỏ nhu cầu ca hát, giải trí bằng âm nhạc. Trong khi đó, sách giáo khoa âm nhạc thì chỉ tập trung vào học hát là chủ yếu với các bài dân ca, số lượng bài hát giảm dần. Lớp 1 và lớp 2 học 12 bài, từ lớp 3 đến lớp 5 còn 10 bài, từ lớp 6 đến lớp 8 còn 8 bài, lớp 9 còn 4 bài. Các bài hát đóng khung giống nhau, không có sự khác biệt giữa các vùng miền.
Và đáng buồn hơn, theo nhận xét của nhiều em học sinh là “các bài hát.. đều chán”. Điều này là dễ hiểu bởi các bài hát trong sách giáo khoa đều có tuổi đời cao vài thập niên, bài hát tuổi thơ của thế hệ đã là ông bà, cha mẹ. Dù đó là bài ca đi cùng năm tháng thì ca từ chưa chắc đã phù hợp với tuổi thơ thời @. Đó là chưa nói tới việc, nhiều bài hát được chọn đưa vào sách giáo khoa không phải là những bài hát xuất sắc được nhiều thế hệ yêu thích: giai điệu rất ngang, ca từ khó hiểu.
Nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội cho rằng cần bổ sung vào sách giáo khoa các bài hát mới hơn, phù hợp với học sinh hiện tại hơn, nhất là bài hát trong chương trình THCS. Sách giáo khoa không thể thay đổi, cập nhật từng năm, nhưng rõ ràng, không ai cấm các trường, các giáo viên âm nhạc linh hoạt, chủ động trong thiết kế bài học âm nhạc phù hợp với học sinh. Hoặc ở các địa phương có âm nhạc cổ truyền hoàn toàn có thể thay thế bằng các làn điệu dân ca như Phú Thọ học hát xoan, Bắc Ninh học quan họ, miền Trung học ví dặm… Điều này vừa dạy học sinh âm nhạc phù hợp hơn với các em, vừa giúp giáo dục về văn hóa truyền thống.
Dường như việc học âm nhạc trong nhà trường hiện nay đang mang tính đối phó, hình thức. Tuy được học âm nhạc nhưng số học sinh thuộc được những bài hát hay dành cho thiếu nhi rất ít. Hiểu biết của học sinh về âm nhạc dân gian lại càng là điều xa xỉ. Vì đâu nên nỗi trống vắng này? Thiết nghĩ, trong đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa sắp tới, ngành giáo dục cần phải thiết kế, thay đổi lại điều này.
LÂM NGUYÊN