Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 26-12 đã ký sắc lệnh phê chuẩn Học thuyết quân sự mới của Nga, trong đó xem việc mở rộng NATO là mối đe dọa chính với an ninh quốc gia của Nga. Theo Reuters, trong học thuyết mới, yếu tố mở rộng NATO được nhấn mạnh hơn do các diễn biến gần đây ở Ukraine.
Ukraine: Chiến tuyến Nga - phương Tây
Văn kiện dài 29 trang gồm 58 điều mục, được công bố trên trang web của Điện Kremlin, vẫn mang tính phòng thủ. Học thuyết mới nêu rõ những điểm được Nga xem là hiểm họa chiến tranh gồm: NATO mở rộng tiềm năng sức mạnh, sự xích lại của cơ sở hạ tầng quân sự NATO sát biên giới LB Nga, trong đó có việc tiếp tục mở rộng khối này; triển khai binh sĩ nước ngoài trên lãnh thổ các nước có chung biên giới với LB Nga; hình thành và triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược, hủy hoại sự ổn định trên toàn cầu, thực thi khái niệm “cú ra đòn toàn cầu”, ý định đưa vũ khí lên vũ trụ. Trang mạng của Hội đồng An ninh Nga cho biết, các hiểm họa mới đối với nước này xuất hiện trong tình hình tại Ukraine và xung quanh nước này, cũng như các sự kiện tại châu Phi, Syria, Iraq và Afghanistan. Nga cho biết trong tuần qua, NATO đã biến Ukraine thành “tuyến đầu” trong cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây khi Quốc hội Ukraine thông qua quyết định đưa Ukraine ra khỏi chính sách trung lập, mở đường cho việc gia nhập NATO. Tổng thống Putin đe dọa sẽ cắt đứt quan hệ còn lại với phương Tây nếu Ukraine gia nhập NATO.
Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì cuộc họp nội các an ninh.
Hơn thế nữa, trong suốt năm 2014, khi cuộc xung đột diễn ra ở miền Đông Ukraine, NATO đã gia tăng sự hiện diện quân sự tại Đông Âu. Học thuyết mới của Nga viết rằng, việc triển khai quân đội nước ngoài tại lãnh thổ các nước láng giềng của Nga là cách gây áp lực về chính trị và quân sự với Nga. Học thuyết mới lần đầu tiên nêu khả năng sử dụng vũ khí thông thường có độ chính xác cao như một “răn đe chiến lược” mà không giải thích rõ Nga sẽ sử dụng khi nào và như thế nào. Mặc dù vậy, học thuyết mới khẳng định việc ngăn ngừa một cuộc chiến tranh hạt nhân hoặc bất kỳ loại hình xung đột nào khác là vấn đề cốt lõi trong chính sách quốc phòng của Nga.
Phản ứng
Sau khi Tổng thống Nga ký sắc lệnh phê chuẩn học thuyết quân sự mới, NATO đã bác bỏ lập luận cho rằng khối này là mối đe dọa an ninh nước Nga. Theo Reuters, người phát ngôn NATO Oana Lungescu khẳng định: “NATO không là mối đe dọa cho Nga hay bất kỳ nước nào”, đồng thời thêm rằng bất kỳ biện pháp nào của NATO chỉ để đảm bảo sự an toàn của các thành viên của mình và chỉ mang tính chất phòng thủ phù hợp với luật pháp quốc tế.
Từ Washington, theo Sputnik, một quan chức Nhà Trắng cho biết Mỹ đang xem xét học thuyết quân sự mới của Nga và sẵn sàng hợp tác với Nga trong việc ngăn chặn các cuộc xung đột. Mỹ cũng sẽ làm việc với Nga về các vấn đề quan tâm chung như chống khủng bố, cấm phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Hãng tin AP dẫn lời ông Alexander Konovalov, chuyên gia quân sự độc lập tại Mátxcơva cho rằng, học thuyết lần đầu tiên đề cập đến việc sử dụng vũ khí thông thường có độ chính xác cao như một “răn đe chiến lược”, nghe có vẻ mơ hồ, nhưng có thể là ẩn ý cho một loại vũ khí mới nhằm vô hiệu hóa kế hoạch tấn công bất ngờ từ NATO. Theo ông Konovalov, loại vũ khí này cho phép Nga trả đũa đối phương mà không cần sử dụng các đầu đạn hạt nhân.
Trong một cuộc phỏng vấn với Press TV, Daniel Faraci, Giám đốc Cơ quan Tư vấn LLC cho rằng học thuyết quân sự mới của Nga là kết quả từ những động thái gây sức ép liên tục của phương Tây với Nga trong thời gian qua. Theo ông, đã đến lúc NATO, EU và Mỹ tìm một giải pháp ngoại giao với Nga để giảm leo thang căng thẳng nếu không muốn trở lại một cuộc Chiến tranh lạnh toàn diện mới.
THỤY VŨ (tổng hợp)