Hãng Ria Novosti ngày 6-8 dẫn lời Đặc phái viên Nga tại NATO, ông Dmitry Rogozin cho biết, Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang lên kế hoạch cho một chiến dịch quân sự chống lại Syria. Ông Rogozin khẳng định, NATO cũng có thể đang thiết lập một mục tiêu lâu dài để chuẩn bị tấn công cả Iran.
Pháp, Đức, Mỹ gia tăng sức ép lên chính phủ Syria
Ông Dmitry Rogozin cho rằng tuyên bố Hội đồng Bảo an LHQ đưa ra ngày 4-8, trong đó xác nhận tình hình ở Syria chưa cần có sự can thiệp của NATO, có nghĩa rằng chiến dịch quân sự nhằm vào mục tiêu này đang được lên kế hoạch. Ông Rogozin khẳng định: “Nga đã rút ra bài học từ Libya và sẽ tiếp tục phản đối một nghị quyết dùng vũ lực để giải quyết tình hình ở Syria. NATO đang nhắm tới việc can thiệp vào những nước có quan điểm không phù hợp với những quan điểm của phương Tây”.
Nếu việc NATO muốn mở kế hoạch quân sự tại Syria được xác nhận, đây sẽ là mặt trận thứ hai của tổ chức này trong năm nay sau cuộc chiến tại Libya. Tuy nhiên, khả năng NATO tiếp tục mở mặt trận mới chưa thể xảy ra trong tương lai gần, bởi tổ chức này vẫn đang loay hoay trong cuộc chiến kéo dài hơn 3 tháng qua tại Libya. Ngoài việc hứng chịu sự chỉ trích mạnh mẽ của dư luận trong và ngoài nước, các nước NATO tham gia chiến dịch quân sự tại Libya cũng đang đối mặt với các chi phí quân sự khổng lồ đang đội lên từng ngày.
Trong khi đó, vào ngày 5-8, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã nhất trí xem xét thêm các biện pháp nhằm gia tăng sức ép lên Tổng thống Syria Bashar al-Assad do việc đàn áp các cuộc biểu tình. Tuyên bố của Nhà Trắng cho biết, 3 nhà lãnh đạo đã nhất trí xem xét thêm các biện pháp nhằm gây sức ép lên chính phủ của tổng thống Assad và ủng hộ lực lượng đối lập ở Syria, nhưng không tiết lộ đang cân nhắc những biện pháp nào. Washington ngày càng thể hiện quan điểm muốn Tổng thống Assad phải ra đi, sau khi tuyên bố hồi đầu tuần rằng sự tồn tại của nhà lãnh đạo này đang gây ra sự bất ổn tại Syria. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ra thông báo yêu cầu các công dân Mỹ rời Syria vì tình hình bất ổn đang leo thang tại nước này.
Lập lại kịch bản Libya?
Syria đang chịu sức ép rất lớn từ phương Tây kể từ sau khi làn sóng bạo động nổ ra mạnh mẽ vào cuối tháng 7 vừa qua khiến nhiều người thiệt mạng. Trên thực tế, Syira cũng là một trong nhiều quốc gia bị cuốn theo phong trào “Mùa xuân Arab” phản đối các chính phủ đương nhiệm. Các cuộc biểu tình do phe đối lập khởi xướng bắt đầu nổ ra từ tháng 3 để yêu cầu thực hiện các cải cách chính trị. Áp lực rất lớn từ những cuộc biểu tình đã buộc chính quyền Tổng thống al-Assad phải đi hết từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác. Đầu tiên là gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp áp đặt trên cả nước từ năm 1963, tiếp đó nội các gồm 32 thành viên do Thủ tướng Mohammed Naji al-Otari đứng đầu phải từ chức, thảo luận sửa đổi Hiến pháp mở đường cho một cuộc bầu cử tự do...
Tình hình Syria nghiêm trọng tới mức Hội đồng Bảo an LHQ đã triệu tập cuộc tham vấn khẩn cấp và thông qua tuyên bố lên án nhà chức trách Syria sử dụng vũ lực đối với dân thường. Đang xuất hiện nhiều ý kiến kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ không nên tiếp tục đưa ra nghị quyết chống lại Syria để tránh lặp lại kịch bản Libya. Hơn nữa, các biện pháp trừng phạt chính phủ Bashar Assad sẽ không giúp giải quyết tình hình ở đất nước này. Bình luận về tình hình ở Damascus, các nhà phân tích chính trị đều cho rằng phương Tây sẽ không từ bỏ nỗ lực để ép Hội đồng Bảo an đưa ra nghị quyết về Syria, tương tự như nghị quyết 1973, mở đường cho một chiến dịch quân sự can thiệp vào tình hình nội bộ của Syria.
Thanh Hằng