NATO tập trận ở châu Âu: Rầm rộ chưa từng có

Hơn 1.000 lính dù của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang tiến hành cuộc tập trận ở Hohenfels, miền Nam nước Đức. Tướng Hans-Lothar Domrose, sĩ quan của NATO, cho biết, cuộc tập trận này là một phần của chiến dịch tập trận đa phương mang mật danh Swift Response 15 (Phản ứng mau lẹ - 2015) lớn nhất tại châu Âu kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ II.
NATO tập trận ở châu Âu: Rầm rộ chưa từng có

Hơn 1.000 lính dù của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang tiến hành cuộc tập trận ở Hohenfels, miền Nam nước Đức. Tướng Hans-Lothar Domrose, sĩ quan của NATO, cho biết, cuộc tập trận này là một phần của chiến dịch tập trận đa phương mang mật danh Swift Response 15 (Phản ứng mau lẹ - 2015) lớn nhất tại châu Âu kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ II.

Lấy bối cảnh Ukraine

Dưới sự chỉ huy của quân đội Mỹ, các lính dù của 3 nước thành viên NATO gồm Đức, Hà Lan và Ba Lan đã thực hiện các bài nhảy dù xuống vùng huấn luyện. Cuộc tập trận nhằm phô trương khả năng sẵn sàng triển khai nhanh các lực lượng chiến đấu đa quốc gia trong các tình huống khẩn cấp. Cuộc tập trận tại Đức có sự tham gia của 650 lính dù thuộc Lữ đoàn Không quân số 1, Sư đoàn Phản ứng nhanh (DSK) của Đức; trong khi phía Hà Lan và Ba Lan mỗi nước có 150 binh sĩ tham gia.

Lính dù NATO tập trận ở Romania. Ảnh: FOX NEWS

Theo kế hoạch, có tổng số hơn 4.800 binh sĩ của 11 nước NATO tham gia vào đợt tập trận Phản ứng mau lẹ - 2015 diễn ra đồng thời ở Bulgaria, Đức, Italia và Romania từ ngày 17-8 đến ngày 13-9. Tại Romania, có hơn 200 lính dù đến từ Italia, Tây Ban Nha và Mỹ tham gia tập trận ở miền Đông nước này, trong khi cuộc tập trận tại Bulgaria diễn ra tại khu vực huấn luyện Novo Selo thuộc tỉnh Sliven; tập trận sẽ diễn ra từ ngày 3-10 đến 6-11 tại Tây Ban Nha, Italia, Bồ Đào Nha, trên Địa Trung Hải và Đại Tây Dương với hơn 36.000 binh lính từ 30 nước, gồm các nước thành viên NATO và 7 đối tác là Australia, Áo, Bosnia-Herzegovina, Phần Lan, Macedonia, Thụy Điển và Ukraine tham gia.

Thời gian qua, NATO đã tăng cường các nỗ lực phòng thủ ở châu Âu bằng cách thành lập một đơn vị tác chiến nhanh mang tên Lực lượng Đặc nhiệm phản ứng siêu nhanh (VJTF) có nhiệm vụ duy trì năng lực của NATO trước những biến động về an ninh trong lãnh thổ liên minh này trong vòng 48 giờ và các cuộc tập trận nói trên nhằm hỗ trợ lực lượng mới này của NATO.

Theo báo Anh The Guardian, kịch bản của những cuộc tập trận được cho là lấy Ukraine làm bối cảnh khi các lực lượng hải, lục, không quân và các lực lượng đặc biệt của các nước tham gia tập trận sẽ tiến hành một chiến dịch mở rộng để cứu giúp “quốc gia giả định Sorotan” không phải là thành viên NATO, bị tàn phá bởi một cuộc xung đột vũ trang nội bộ và đối mặt với một mối đe dọa quân sự từ một nước láng giềng hùng mạnh (ám chỉ Nga).

Áp đặt lệnh ngừng bắn mới ở Đông Ukraine

Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố, cảnh báo rằng các cuộc tập trận này đang gây ra những hậu quả tai hại, làm gia tăng đáng kể căng thẳng trong khu vực Đông Ukraine. Thực tế cho thấy, trong 2 tuần gần đây, tình hình chiến sự ở miền Đông Ukraine leo thang căng thẳng, có nhiều thông tin về các vụ nã pháo với số thương vong của dân thường tăng cao.

Trong ngày 26-8, Đặc phái viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Martin Sajdik cho biết, các thành viên của Nhóm Tiếp xúc ba bên về giải quyết xung đột ở miền Đông Ukraine (gồm Nga, Ukraine và OSCE) đã nhất trí áp đặt một lệnh ngừng bắn mới trước ngày 1-9 tới. Đại diện của Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng Vladislav Deinego cũng xác nhận rằng tất cả các bên trong Nhóm Tiếp xúc ba bên đều bày tỏ mong muốn đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại vùng Donbass trước ngày 1-9.

Về phần mình, Mỹ muốn khẳng định sự ủng hộ về quân sự cho chính phủ thân phương Tây lên cầm quyền ở Ukraine. Với chiến lược lâu dài, Mỹ muốn bao vây và cô lập Mátxcơva từ nhiều phía. Ngay cả giới phân tích phương Tây cũng thừa nhận Mỹ và các đồng minh châu Âu đang tiến hành các cuộc tập trận khiêu khích Nga. Không chỉ vậy, họ còn sử dụng nhiều biện pháp khác nhau nhằm làm kiệt quệ Nga, ngăn chặn ảnh hưởng của Mátxcơva tại các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.


VIỆT ANH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục